Võ Thị Mỹ Duyên – Phó Bí thư Chi đoàn
nhiệm kỳ 2000 - 2001
Chiếc xe 15 chỗ được bác tài là anh Cường, một tay lái kỳ cựu và vui tính, lướt phăng phăng trên con đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, qua chuyến phà Bình Khánh để đưa chúng tôi đến thăm trường tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, là nơi chúng tôi chọn để thực hiện Công trình Thanh niên của chi đoàn Viện Pasteur nhiệm kỳ 2000-2001. Công việc của chúng tôi là phối hợp với Ban giám hiệu và các thầy cô giáo của trường để giúp đỡ các em học sinh về vật chất và sức khỏe, động viện các bậc phụ huynh tạo điều kiện cho các em được cắp sách đến trường. Tuy xe chỉ có 15 chỗ nhưng chúng tôi cố ngồi o ép để đủ chỗ cho 18 người vì ai cũng muốn tham gia chuyến đi. Chật chội là vậy nhưng ai cũng nói cười hân hoan, từng câu chuyện vui của anh Quang, anh Toàn nối tiếp nhau xen lẫn những tràng cười giòn giã làm tâm trạng ai cũng phấn chấn, chuẩn bị tinh thần cho một ngày làm việc đầy ý nghĩa.
Trước chuyến đi, chi đoàn chúng tôi phối hợp với các anh chị Công đoàn chuẩn bị khoảng 200 phần quà cho các em trước năm học mới. Chị Lưu Lệ Loan rất có kinh nghiệm trong những chuyến công tác từ thiện, hướng dẫn chúng tôi xếp quà một cách gọn gàng và nhanh chóng. Nào là đồng phục học sinh, dụng cụ học tập, sách giáo khoa, tập vở, kể cả y cụ và thuốc men để thăm khám sức khỏe cho các em.
Tuy là một huyện ngoại thành, chỉ cách thành phố HCM hơn 50 km về phía đông nam, nhưng cuộc sống của người dân Cần Giờ gần như tách hẳn khỏi sự náo nhiệt, sung túc và hiện đại của đất Sài thành. Có lẽ thiên nhiên không ưu đãi nên mảnh đất Cần Giờ không được màu mỡ, phù sa, vùng đất ngập mặn không thích hợp cho các loại hoa màu, cây ăn trái ngoại trừ một số loại cây như bần, mắm đước kiên trì, dẻo dai bám đất quanh năm làm nên những kỳ tích Rừng Sác một thời. Người dân Cần Giờ lam lũ, cơ cực, cái nghèo khó luôn bủa vây họ, chạy ăn từng ngày mà vẫn bữa đói bữa no. Với các bậc cha mẹ, cái chữ không no bằng hạt cơm bỏ vào bụng, vì vậy trẻ em nơi đây bỏ học rất nhiều và sớm lăn xả vào cuộc mưu sinh với tuổi đời còn non nớt. Khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây là thiếu nguồn nước sạch. Hằng ngày, họ phải mua nước sạch với giá khoảng 4000 đồng/m3. Nhưng trung bình mỗi người chỉ có thể mua nhiều nhất 60 lít nước/ngày (bằng 50% so với tiêu chuẩn sử dụng nước bình quân đầu người ở thành phố). Tình trạng thiếu nước sạch là nguyên nhân phát sinh bệnh tật ở nơi đây.
Vượt qua chặng đường hơn 60 km, chúng tôi đã dừng trước cổng trường tiểu học Bình Thạnh, ngôi trường gạch khá khang trang so với những ngôi nhà dân lụp xụp xung quanh. Khi chúng tôi đến, các em học sinh đã đứng xếp hàng ngay ngắn, chỉnh tề trong sân trường. Những đôi mắt to tròn ngơ ngác của các bé lớp 1, 2 cùng với những ánh mắt lém lỉnh, vui sướng của các em lớp 3, 4, 5 hướng về chúng tôi như đang dò hỏi và chờ đợi một điều bất ngờ thú vị. Đoàn chúng tôi chia làm 6 đội, mỗi đội phụ trách một khối lớp, đội còn lại gồm các bạn bác sĩ phụ trách việc thăm khám sức khỏe và phát thuốc cho các em. Trong cái nóng hầm hập của buổi trưa hè ở xứ sở nắng cát này, chúng tôi sinh hoạt và chơi đùa với các em mà mồ hôi tuôn nhễ nhại, dù vậy mọi người đều rất nhiệt tình, nói cười rôm rả, gương mặt các bạn nữ ửng hồng trông thật dễ thương. Anh Tuấn kỹ lưỡng đặt ống nghe khám tim, phổi các em, anh Huân tỉ mỉ khám răng miệng và các bệnh ngoài da, tôi và các bạn nữ phát thuốc và ….cắt móng tay cho các bé nhỏ. Nhìn những thân hình còm cỏi, đen nhẻm với mái tóc vàng khét nắng và đôi chân trần của các em khiến chúng tôi không khỏi sót lòng. Ở đây, hầu hết các em chỉ học nửa ngày, thời gian còn lại phải phơi thân ngoài đồng khô nắng cát để bắt còng, cua nhằm cải thiện bữa cơm gia đình. Tuy khổ cực nhưng được cắp sách đến trường là một niềm hạnh phúc của các em.
Buổi trưa, chúng tôi được thầy cô đãi món cháo gà nóng sốt. Đang lúc đói và mệt, chúng tôi thưởng thức bữa ăn trưa một cách ngon lành. Nghỉ ngơi vài phút, chúng tôi lại chuẩn bị cho chuyến đi thăm cơ sở 2 của trường ở tận trong đồng sâu, phải đi qua một chuyến đò. Gọi là cơ sở 2 nhưng thực chất chỉ là một ngôi nhà lợp lá với khoảng 4 lớp học, mỗi lớp chưa tới 10 em học sinh, hiếm khi các em đến lớp đều đặn vì phải bươn chải kiếm sống cùng cha mẹ. Thầy cũng như trò, sáng đến lớp, chiều chạy chợ hoặc ra đồng mò cua, bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng không thầy cô nào có ý định bỏ nghề chỉ vì “tội mấy đứa nhỏ, mình ráng để tụi nó không bị mù chữ”.
Chúng tôi trở về trên con đò chiều. Hòa vào tiếng rì rào sóng vỗ của dòng sông Lòng Tàu mênh mang là lời kể chuyện mộc mạc của bác lái đò. Rằng xưa, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, đã trốn về đây. Thấy dân vạn chài không có đồng hồ xem giờ giấc mỗi khi ra biển, chúa chế tạo ra cái đồng hồ làm bằng lu nước, giữa lu cắm 1 cái cần có khắc giờ. Nước được dẫn chảy từng giọt vào lu, ngập đến vạch nào là báo đến giờ đó. Nhờ có chiếc cần xem giờ này mà dân trong vùng biết chính xác giờ giấc đi biển. Sau này khi lên ngôi, chuẩn theo ước nguyện của dân vạn chài nơi này, vua Gia Long đặt tên cho vùng đất duyên hải này là Cần Giờ.
Đò cập bến, chúng tôi từ giã mảnh đất nắng cát này để quay về thành phố. Dường như ai cũng có một chút suy tư, đó là sự bịn rịn với cái mộc mạc, chơn chất của người dân nơi đây, với những ánh mắt trong veo, hồn nhiên của các em học sinh nghèo, và hơn cả là một lời hứa rằng chúng tôi sẽ trở lại đất Cần Giờ này để tiếp tục công trình của những thanh niên Viện Pasteur đang căng đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, đó là sự dấn thân và phục vụ cộng đồng.
Tp. HCM, tháng 9 năm 2001