LỜI MỞ ĐẦU
Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur ngoài Pháp đầu tiên trên thế giới và nay là Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đã được thành lập. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu thế hệ đã đi qua, để cống hiến, xây dựng và phát triển. Nhưng sự nghiệp Pasteur vẫn là sự nghiệp của khoa học, phục vụ sức khỏe cộng đồng và hợp tác giữa các dân tộc. Phát huy truyền thống khoa học của Pasteur, ngày nay, dưới sự quan tâm của Đảng, chính phủ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của các cơ quan chức năng, hệ thống y tế các cấp và sự hợp tác quốc tế đa phương, toàn diện, Viện Pasteur đã quyết tâm xây dựng Viện thành một trung tâm y tế chuyên sâu và cơ sở y tế dự phòng đầu ngành của khu vực phía Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều yếu tố, phát triển tích cực và có cả mặt trái của nó, đồng thời trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện các bệnh mới nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, Nihpa virus,… Viện Pasteur TP.HCM cố gắng hoạt động theo quan điểm y học dự phòng, với các biện pháp chủ động là phương cách hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để khống chế bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho một cộng đồng rộng lớn gồm số đông cá thể. Như Pasteur đã nói: "Hãy quan tâm đến ngôi đền thiêng liêng mang các tên đầy ý nghĩa, phòng thí nghiệm. Hãy yêu cầu nhân lên rất nhiều, trang trí lên thật đẹp: đây chính là ngôi đền của tương lai, của phồn vinh, của cuộc sống yên lành. Chính ở đây, loài người sẽ lớn lên, mạnh lên và tốt lên".
Phòng thí nghiệm HIV, nơi đây đã phát hiện trường hợp HIV đầu tiên của Việt Nam (năm 1990), cùng với các phòng thí nghiệm polio, sởi, dengue xuất huyết, cúm, kháng thuốc đã được trang bị máy móc hiện đại, cán bộ đào tạo bài bản để có thể bắt kịp với trình độ quốc tế về chẩn đoán, phát hiện, nghiên cứu vi sinh, miễn dịch, sinh học phân tử và nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin phòng bệnh, sinh phẩm chẩn đoán góp phần phục vụ giám sát và phòng chống dịch bệnh như thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế cúm A/H5N1, phòng chống sốt xuất huyết dengue, chống bệnh tay-chân-miệng do enterovirus… Ngoài ra, một số phòng thí nghiệm dịch vụ cũng đạt tiêu chuẩn ISO 17025. Kết quả này có được chủ yếu là do sự lao động miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn trong phòng thí nghiệm của nhiều thế hệ cán bộ. Có nhiều người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân để dành hết cho một niềm đam mê là được làm việc trong các "ngôi đền thiêng liêng" ấy.
Một nhiệm vụ khác mà Viện đã, đang và tiếp tục thực hiện là các hoạt động chỉ đạo giám sát phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như là các hoạt động về y tế công cộng và chỉ đạo tuyến. Trên mọi nẻo đường, xã, ấp của các tỉnh thành phía Nam đều in đậm dấu chân của cán bộ Viện Pasteur TP.HCM. Họ đi đến những nơi này để làm, để học, để huấn luyện, để hướng dẫn, để tuyên truyền, để tổ chức, để chia sẻ cùng đồng nghiệp ở các tuyến, cho đến tận nhà dân, ngày này sang tháng khác, không quản mệt nhọc đường sá xa xôi và tạm gác công việc của gia đình để góp phần cùng cả nước đẩy lùi, khống chế các bệnh nhiễm trùng, tạo cho Việt Nam trở thành một điểm sáng về y tế dự phòng ở khu vực và thế giới như là thanh toán bại liệt, đẩy lùi dịch hạch, loại trừ uốn ván sơ sinh là nơi đầu tiên khống chế thành công bệnh SARS, cúm A/H5N1…
Với sự kết hợp giữa hoạt động trong phòng thí nghiệm và ngoài cộng đồng, Viện đã thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, nhiều đề tài hợp tác quốc tế và đã đưa vào ứng dụng. Trong hội chợ khoa học công nghệ do Bộ Khoa học Công nghệ và Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, Viện đã nhận được cúp vàng hội chợ TechMart.
Bắt đầu bằng huấn luyện, thực hiện phải cần có huấn luyện và tiếp tục huấn luyện nữa. Phải gắn Viện với Trường, Viện đã đang cố gắng để trở thành 1 trung tâm huấn luyện, đào tạo thực hành về y tế dự phòng cho khu vực phía Nam. Hàng năm có mấy chục khóa huấn luyện về dịch tễ, vi sinh, miễn dịch, sinh học phân tử… cho các cán bộ y tế dự phòng các tuyến. Nơi đây còn là cơ sở thực hành làm luận văn, luận án cho sinh viên, cán bộ của các trường Đại học Y Dược, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Nông lâm và cho cả 1 số cán bộ ở các viện, trường quốc tế. Viện cũng tham gia như là một bộ môn vi sinh cộng đồng của trường Đại học Y Dược Tp.HCM, là đầu mối hợp tác, tổ chức nhiều khóa huấn luyện quốc tế về các bệnh nhiễm trùng và không nhiễm trùng.
Viện Pasteur Tp. HCM còn là một đơn vị y tế dự phòng đầu tiên của cả nước đưa tư duy kinh tế tri thức vào hoạt động thường xuyên của Viện bằng việc thực hiện dịch vụ sinh y học kỹ thuật với gần 300 xét nghiệm các loại cho người, thực phẩm, nước, sản phẩm công nghiệp. Hàng ngày có khoảng 500 – 1000 lượt người đến xét nghiệm các loại. Hoạt động sản xuất vắc xin, sinh phẩm bắt đầu được đầu tư, tăng cường phát triển, ngoài việc sản xuất hàng triệu liều vắc xin BCG phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, Viện còn sản xuất các loại vắc xin và sinh phẩm chẩn đoán sốt xuất huyết, viêm não, lepto, các bệnh đường ruột, phát hiện a-fetoprotein…
Sau khi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nhiều tỷ đồng cho nhà nước, Viện đã tái đầu tư cho hoạt động chuyên môn và tăng thêm nguồn thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức và các hoạt động xã hội, từ thiện khác.
Phát huy nội lực là quyết định. Nhưng hợp tác với các đơn vị trong nước và hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đơn vị về đào tạo, nghiên cứu. Để thực hiện tốt chức năng của mình, Viện đã luôn có, mối quan hệ và hợp tác hiệu quả với các đơn vị trong ngành y tế: các sở ban ngành ở các địa phương, hệ y tế dự phòng các tuyến, hệ điều trị và các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện ở Tp.HCM, ở các trường Đại học.
Viện luôn chú trọng đến các hợp tác quốc tế đa phương. Viện là thành viên của hệ thống các viện Pasteur trên thế giới và là ủy viên Hội đồng quản lý các viện Pasteur trên thế giới. Ngoài ra Viện còn hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học của Mỹ (CDC, NIH, NAMRU…), Nhật (Đại học Nagasaki, Đại học Tokyo, Viện quốc gia về các bệnh nhiễm trùng, NIID), với Úc (tổ chức AFAP, Đại học Quensland,…),… và các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia,…
Chuyến viếng thăm vào ngày 20/11/2006 của tổng thống Hoa kỳ G. Bush và phu nhân vừa qua, sau Hội nghị APEC 14 ở Hà Nội là một đánh dấu cho hợp tác về khoa học và phòng chống dịch với Mỹ. Tổng thống Mỹ đã đi thăm phòng thí nghiệm HIV/AIDS và phòng thí nghiệm cúm A/H5N1. Vì đây là các vấn đề y tế, xã hội có tính toàn cầu và cũng là các dự án có sự hợp tác của Mỹ. Qua việc đi thăm phòng thí nghiệm, tổng thống Mỹ đã đánh giá cao về chất lượng và hoạt động nghiên cứu ở phòng thí nghiệm cũng như phòng chống bệnh dịch của Việt Nam nói chung và của Viện Pasteur Tp. HCM nói riêng.
Viện đã được Bộ Y tế phê duyệt quy hoạch phát triển Viện từ nay đến năm 2010 và định hướng đến 2020. Đó là cơ sở để Viện phát triển thành một Viện nghiên cứu sâu về y học dự phòng, trung tâm đào tạo thực hành về y học dự phòng và một trung tâm sản xuất vắc xin, sinh phẩm đạt trình độ khu vực và hội nhập quốc tế, đồng thời vẫn đảm bảo là cơ quan đầu mối chỉ đạo tuyến và giám sát phòng chống dịch cho khu vực phía Nam.
Viện đã thực hiện Nghị định 10, nay là Nghị định 43 của chính phủ để thực hiện quyền tự quyết về tài chính của đơn vị. Quy chế dân chủ của đơn vị được cụ thể chi tiết hóa về tất cả các hoạt động của Viện được biên soạn công phu thành một cuốn tài liệu và đã được ban hành từ 5 năm qua. Đó là cơ sở giúp cho Viện tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể, minh bạch, rõ ràng, công bằng trong quản lý nhân sự, tài chính, vật tư,…
Tập thể lãnh đạo Viện là tập thể cán bộ trẻ, nhiệt tình, tâm huyết, cầu tiến và đoàn kết, đã tạo nên sức mạnh giúp Viện vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách đối với công tác y tế dự phòng trong thời gian qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Viện Pasteur Tp. HCM trân trọng và chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ và hợp tác quý báu của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, đặc biệt là Ủy ban Nhân dân TP.HCM, các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện tỉnh thành, hệ thống y tế tuyến huyện, xã, ấp, cộng đồng dân cư khu vực phía Nam, các đồng nghiệp quốc tế. Các cán bộ, nhân viên của thế hệ ngày hôm nay đang công tác tại Viện Pasteur ghi lòng những đóng góp, hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước để xây dựng, hình thành và phát triển Viện Pasteur TP.HCM được như ngày hôm nay.
Toàn thể cán bộ công nhân Viện Pasteur vẫn cần phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa, cống hiến và sáng tạo nhiều hơn nữa để góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người, vốn quý nhất của xã hội qua mọi thời đại.