(Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 4775/QĐ-BYT ngày 17/11/2020 và Nghị định số 120/2020 của Chính phủ ngày 07/10/2020).
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh có chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; đào tạo và chỉ đạo tuyến; hợp tác quốc tế; tổ chức các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và tổ chức cung cấp các dịch vụ về y tế dự phòng, y tế công cộng đáp ứng nhu cầu xã hội theo quy định của pháp luật trên địa bàn khu vực phía Nam và các địa phương được phân công theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Viện có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
Nghiên cứu khoa học:
1. Nghiên cứu dịch tễ học: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ, dự báo dịch của những bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh mới phát sinh, những yếu tố và quy luật phát triển của bệnh dịch mang tính đặc thù trong khu vực để có những biện pháp phòng chống phù hợp;
2. Nghiên cứu vi sinh y học: nghiên cứu xác định các tác nhân vi sinh học gây bệnh, đánh giá mức độ an toàn sinh học và an ninh sinh học, sự thay đổi về di truyền học, tính kháng thuốc; đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh, dịch; nghiên cứu các tác động và ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển và gây bệnh, dịch của hệ sinh thái vi sinh vật;
3. Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế dùng cho người; các sinh phẩm chẩn đoán ứng dụng trong phát hiện, giám sát các tác nhân hóa học.
4. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các phương pháp về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp thông số của các thiết bị, sản phẩm liên quan sức khỏe con người, thiết bị và sản phẩm bảo vệ môi trường;
5. Nghiên cứu bệnh học, miễn dịch, di truyền liên quan đến độc chất và các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe con người;
6. Tham gia xây dựng dự thảo tiêu chuẩn Quốc gia, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lĩnh vực y tế dự phòng theo yêu cầu của Bộ Y tế;
7. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các vấn đề y tế công cộng khác;
8. Nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cấp phép;
9. Nghiên cứu cứu bệnh học, miễn dịch, di truyền liên quan đến tác nhân gây bệnh từ thực phẩm và môi trường (đánh giá an toàn hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, hóa chất bảo vệ thực vật, các chất diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế).
Tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm trong khu vực được phân công:
1.Tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm trong khu vực được phân công.
2.Tổ chức, chỉ đạo, triển khai các hoạt động điều tra, xác minh, xử lý dịch, ổ dịch theo quy định; triển khai các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; theo dõi và báo cáo diễn biến tình hình dịch, ổ dịch bệnh truyền nhiễm trong khu vực được phân công.
3.Tổ chức, chỉ đạo, triển khai các hoạt động giám sát, phòng chống các loại côn trùng, động vật truyền bệnh cho người tại khu vực được phân công.
4.Tổ chức, chỉ đạo, triển khai và giám sát các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới tại khu vực được phân công.
5.Tổ chức, chỉ đạo, triển khai và giám sát các hoạt động của các dự án và chương trình mục tiêu y tế tại khu vực được phân công.
6.Giám sát, phòng ngừa, đáp ứng các vấn đề y tế công cộng; tham gia phòng chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh tại khu vực được phân công; quản lý và tổ chức vận hành văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng khu vực miềm Nam (EOC) theo quy định;
7.Thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền;
8.Tư vấn và đề xuất với Bộ Y tế về các chiến lược và biện pháp y học dự phòng trong giám sát, phòng, chống dịch, bệnh và các vấn đề y tế công cộng;
9. Nghiên cứu xây dựng các nội dung, hình thức và phương pháp thông tin truyền thông về phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các vấn đề y tế công cộng khác.
Đào tạo và chỉ đạo tuyến:
1. Đào tạo:
- Đào tạo sau đại học: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho các chuyên ngành vi sinh y học, dịch tễ học theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
- Tham gia đào tạo nhân lực y tế các trình độ theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức đào tạo liên tục, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, cập nhật kiến thức chuyên ngành y tế dự phòng cho viên chức, người lao động của Viện và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu theo quy định;
- Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên ngành xét nghiệm, tiêm chủng, an toàn sinh học, an ninh sinh học, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật hiệu chuẩn, kiểm định, thử nghiệm và kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng, đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, thực hành lâm sàng tốt. Tổ chức và duy trì hoạt động của các Hội đồng Khoa học, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học;
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học thuộc lĩnh vực được phân công.
2. Chỉ đạo tuyến:
- Hướng dẫn lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá hoạt động phòng chống các bệnh dịch (bao gồm bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các vấn đề y tế công cộng khác), các chương trình, dự án quốc gia, quốc tế về y tế dự phòng;
- Hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy trình kỹ thuật và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xét nghiệm, an toàn sinh học, giám sát và phòng chống dịch;
- Hướng dẫn bảo đảm chất lượng xét nghiệm của mạng lưới y tế dự phòng trong phòng, chống các bệnh dịch (bao gồm bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm), hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế;
- Theo dõi, giám sát hỗ trợ và đánh giá việc thực hiện quy trình kỹ thuật thuộc lĩnh vực dịch tễ học, vi sinh y học, miễn dịch học, côn trùng và động vật y học, an toàn sinh học và đảm bảo chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng;
- Tham gia đánh giá, thẩm định, chứng nhận năng lực chuyên môn, kỹ thuật các cơ sở y tế chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Cung cấp các dịch vụ về y tế dự phòng, y tế công cộng đáp ứng nhu cầu xã hội theo quy định của pháp luật:
1. Tiếp nhận và thực hiện chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới;
2. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo trong và ngoài nước theo đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xã hội;
3. Tổ chức khám chữa bệnh để thực hiện các hoạt động y tế dự phòng (chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị dự phòng các bệnh nội, nhi, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp);
4. Cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và triển khai dịch vụ tiêm chủng;
5. Sản xuất, cung cấp sinh phẩm chẩn đoán theo hợp đồng nghiên cứu, cung cấp chế phẩm môi trường xét nghiệm;
6. Cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm chuyên sâu;
7. Cung cấp các dịch vụ đảm bảo chất lượng xét nghiệm;
8. Cung cấp các dịch vụ phòng và diệt các véc tơ, vật chủ truyền bệnh;
9. Đánh giá an toàn, hiệu lực, hiệu quả hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;
10. Đào tạo và cấp chứng nhận trong lĩnh vực chuyên ngành: xét nghiệm, tiêm chủng, an toàn sinh học, thực hành lâm sàng tốt;
11. Cung cấp các dịch vụ về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp các thông số lý, hóa, sinh của các thiết bị, sản phẩm liên quan sức khỏe con người, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế và dịch vụ ngoại kiểm theo chuyên ngành y học dự phòng;
12. Cung cấp động vật cho thí nghiệm và sản xuất vắc xin;
13. Tư vấn các vấn đề khác thuộc lĩnh vực chuyên ngành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện và quy định của pháp luật.
Hợp tác quốc tế:
Viện thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo quyền hạn được giao.
1. Thực hiện hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong khu vực và trên thế giới trong việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực y tế dự phòng và giám sát dịch bệnh;
2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về y tế;
3. Huy động nguồn viện trợ từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài để đầu tư nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, trang thiết bị và xây dựng cơ bản;
4. Tổ chức và phối hợp tổ chức các khoá đào tạo, hội thảo và hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành;
5. Trao đổi cán bộ khoa học và thông tin khoa học chuyên ngành.
Quản lý đơn vị:
1. Xây dựng và triển khai quy chế tổ chức và hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật;
2. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đơn vị, quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, kinh phí, tài chính, vật tư thiết bị của Viện theo quy định của pháp luật;
3. Tiếp nhận quản lý và phân phối kinh phí, trang thiết bị y tế, thuốc, hoá chất cho các địa phương trong khu vực Viện quản lý theo quy định;
4. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về thu, chi ngân sách của Viện, thực hiện hạch toán thu, chi theo quy định của pháp luật;
5. Tổ chức các đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Viện theo đúng quy định của pháp luật;
6. Quản lý triển khai các dịch vụ khoa học kỹ thuật, phát triển các dự án hợp tác trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, tăng nguồn thu cho Viện và cải thiện đời sống cho công chức, viên chức và người lao động của Viện;
7. Thực hiện chế độ báo cáo về mọi hoạt động của Viện theo quy định;
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Y tế giao