Được xây dựng từ năm 1891 theo ý tưởng của nhà khoa học Louis Pasteur - đây là Viện Pasteur duy nhất tại Đông Dương và là chi nhánh đầu tiên đặt ngoài nước Pháp thời bấy giờ. Với kiến trúc được thiết kế theo kiến trúc các bệnh viện xây dựng vào đầu thế kỷ XX bên Pháp - một trệt, một lầu và một tầng hầm, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Viện nên được Albert Calmette chọn xây dựng trên vị trí đất cao, đông dân cư nằm cuối đường Pellerin (nay là đường Pasteur). Đường này vào loại xưa nhất và dài nhất vùng Sài Gòn thời Pháp thuộc.
Toàn cảnh 3 tòa nhà của viện Pasteur TP.HCM
Viện được thiết kế theo hình chữ U với 3 dãy nhà bao quanh khuôn viên rộng thoáng khoảng 5.000m2. Từ cổng chính đi vào ta bắt gặp một khoảng khuôn viên rộng với rất nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ trên trăm tuổi, xen lẫn các thảm cỏ xanh là những cây hoa tầng thấp được chăm sóc, xén tỉa rất công phu. Ba dãy nhà có kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp, mỗi dãy có diện tích 1.800m2 được các kiến trúc sư thiết kế phù hợp với cảnh quan và không rập khuôn theo các bệnh viện của Pháp đầu thế kỷ XX để phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của xứ đàng Trong nên trong kiến trúc có nhiều yếu tố phương Đông. Điều dễ thấy nhất là các cửa vòm, lá sách bằng gỗ là điểm nhấn kiến trúc làm nổi bật toàn bộ công trình. Vì chúng có tác dụng che mưa, nắng, tránh bão kín đáo nhưng vẫn đảm bảo thông gió tốt cho ngôi nhà. Về kiến trúc các cửa vòm ở mặt trước được làm theo phong cách Roma - họa tiết trang trí đơn giản nhưng ít phù điêu. Phía trên các cửa này được trang trí bằng gạch Merselle màu đỏ tươi khiến cho màu sắc không còn đơn điệu với một màu vàng của tường.
Mái nhà là bộ phận bao che, chịu lực ở trên cùng của ngôi nhà, mái được làm dốc để nước mưa chảy xuống nhanh, đồng thời tạo nên không gian đệm cách nhiệt. Mái lợp ngói với độ dốc 30 - 350, có 4 mái dốc (2 mái và 2 chái). Ưu điểm của mái dốc lợp ngói là tăng khả năng cách nhiệt cho mái, chống cháy cao vì vậy bền vững theo thời gian.
Với kiến trúc đơn giản mà hiệu quả, việc đi lại giữa các tòa nhà rất thông thoáng và tiện lợi. Mỗi dãy nhà đều có 4 lối vào, 2 lối vào 2 mặt tiền, 2 lối ở đầu hồi. Lối vào được xây theo dạng tiền sảnh với 2 cột chống và dầm gổ đỡ mái. Mái lợp ngói vẩy cá, bậc thang dẫn vào nhà với số lượng 10 bậc. Các cửa sổ, cửa ra vào được làm bằng gỗ và sơn vàng. Mặt tiền mỗi dãy nhà có rất nhiều cửa sổ: tầng hầm có 7 cửa sổ, tầng trệt có 9 cửa sổ, tầng lầu có 11. Tổng cộng lại là 9, trong phong thủy người Việt số 9 tượng trưng cho hạnh phúc, an lành, thuận lợi. Vào bên trong mỗi tòa nhà có hành lang rộng khoảng 2m, nội thất các phòng đơn giản, rộng rãi, sàn nhà lót gạch trắng đen. Cầu thang gỗ được thiết kế theo phong cách nghệ thuật Baroque (là sự giao thoa hoàn hảo của tính cân xứng với những đường nét uốn lượn mềm mại, hài hòa. Với khí hậu theo mùa rõ rệt và độ ẩm cao như Việt Nam chất liệu gỗ đã được các kiến trúc sư thời đó khai thác triệt để vì tuổi thọ và nét thẩm mỹ dễ phô trương. Vì thế, trải qua bụi thời gian nhưng những chiếc cầu thang này vẫn giữ được vẻ đẹp ban sơ.
Dãy nhà chính của Viện Pasteur TP.HCM
Các khuôn viên phụ cận xung quan Viện tuy được xây mới như nhà khách, nơi khám bệnh … được Viện Pasteur TP.HCM thiết kế cảnh quan chung rất hài hòa và đặc biệt công tác bảo tồn và gìn giữ nơi đây rất tốt, khiến cho công trình dẫu hơn 1 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa.
KTS. Nguyễn Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định: Công trình Viện Pasteur TP.HCM ngoài những đóng góp to lớn về mặt khoa học nó còn có những giá trị về lịch sử, về nghệ thuật kiến trúc. Công trình này được thành phố chứng nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật cho thấy thành phố đã thực sự quan tâm và gìn giữ những kiến trúc cổ. Vì thế trong công tác bảo tồn, phục chế sẽ được quan tâm và bảo vệ tốt hơn. Đây là điều rất nên làm của chính quyển thành phố vì Viện Pasteur TP.HCM là một trong những di chỉ lịch sử lâu đời của kiến trúc Pháp.
Viện Pasteur TP.HCM là 1 trong 8 công trình kiến trúc cần bảo tồn mà TP.HCM vừa công bố. Theo đó, quyết định của UBND TP.HCM cũng nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND thành phố.
Nguồn: Bùi Hiền - www.baoxaydung.com.vn