Nguyễn Thị Trang Thanh
(Viết lại theo lời kể của KS. Nguyễn văn Hải, Bí thư đảng ủy, nguyên Bí thư Đoàn Viện Pasteur TP. HCM nhiệm kỳ 1984-1987)
Gần đây, tôi được mời tham dự một buổi sinh hoạt chi đoàn, nhìn thấy hình ảnh các bạn đoàn viên thanh niên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các phong trào của đoàn, tôi như được sống lại những năm tháng cách đây 30 năm. Khi ấy, cũng như các bạn đoàn viên bây giờ, tôi cũng là một đoàn viên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ.
Thanh niên chúng tôi sống trong những năm thập kỷ 80 vất vả và khó khăn lắm. Ở thời kỳ bao cấp, trước những năm đổi mới, hầu như các đơn vị ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn có nhiều hoạt động khác để tăng gia sản xuất nhằm cải thiện đời sống cho nhân viên của đơn vị mình. Và Viện Pasteur cũng là một trong những đơn vị hành chính sự nghiệp được Nhà nước giao thêm đất rừng để khai thác nhằm tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên (CBCNV). Khu đất Nhà nước giao cho Viện là khu rừng cao su già đã hết thời kỳ khai thác của nông trường Hàng Gòn thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai rộng khoảng 5 mẫu. Chúng tôi, những đoàn viên thanh niên trẻ hăng hái cùng với nhân viên Viện thay phiên hàng tuần lên khu đất này phát hoang, làm đất, dọn dẹp cỏ tranh để trồng cà phê. Và ở đây do thiếu nước nên chúng tôi phải đào thêm giếng. Giếng phải rộng và sâu, đường kính khoảng 2m thì mới đảm bảo cung cấp đủ lượng nước chúng tôi cần.
Tôi còn nhớ, hôm đó vào sáng chủ nhật, máy bơm chưa có, tôi và mấy anh em thanh niên phải xách từng xô nước kéo từ giếng lên chuyền tay nhau tưới vào từng gốc cà phê đã lên cao được khoảng hơn 20cm. Chúng tôi đang say sưa tưới thì bỗng nghe có tiếng con gái kêu lên từ xa: “Trời đất ơi! Ai mà tưới cà phê kỳ cục dzậy!”. Mọi người ngẩng lên nhìn. Hóa ra là mấy cô gái đang đạp xe đi lễ nhà thờ, ngang qua thấy chúng tôi đang tưới cà phê kiểu “không giống ai” bèn trêu chọc. Đang mệt mà còn bị “chọc quê”, Lộc - công nhân cơ khí của Cơ Xưởng “cáu” quá nói vọng ra: “Mệt thấy mồ mà còn chọc quê hả? Có ngon dzô tưới đi!”. Thế là mấy cô gái cười vang và “tăng tốc” chạy mất. Sau này chúng tôi mới biết, cà phê là giống cây rất “háu” nước, phải tưới mỗi ngày trung bình 200 lít nước cho mỗi gốc cà phê thì cây mới sống và phát triển tốt được. Cho nên tưới cây kiểu như chúng tôi bị “chọc quê” vậy cũng phải! Rồi chúng tôi cũng được trang bị máy bơm nước. Nhưng khi đó, máy móc không hiện đại như bây giờ, máy bơm thường xuyên hư hỏng. Và để bảo đảm bơm đủ nước tưới cây cà phê chúng tôi lại hì hục sửa chữa nó.
Khó khăn vất vả là vậy nhưng chúng tôi vẫn nhiệt tình, sôi nổi, hăng say làm việc, tiếng cười giòn giã vang lên khắp rẫy. Chúng tôi lao động quên mệt mỏi và không phụ công sức chúng tôi, cây cà phê ngày càng phát triển xanh tốt, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống nhân viên lúc bấy giờ. Nhưng sau đó, đất nước chuyển mình, hội nhập và kinh tế ngày càng phát triển thì việc trồng cà phê của một đơn vị nghiên cứu khoa học như Viện không mang lại hiệu quả và không còn phù hợp với tình hình thực tiễn nữa. Vì thế BGĐ quyết định hoàn trả đất lại cho tỉnh Đồng Nai để tập trung làm công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học và nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới cho Viện.
Trở lại với công việc của mình, chúng tôi lại làm việc với lòng nhiệt tình và trách nhiệm cao, không nề hà bất cứ việc gì, dù đó không phải là chuyên môn nghiệp vụ của mình. Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ, mặc dù Viện đã có nhà giữ xe tập trung nhưng nhiều CB CNV vẫn chưa có thói quen đưa xe vào gửi mà chạy thẳng vào gần nơi làm việc của mình vì thế đã xảy ra tình trạng mất cắp xe hoặc phụ tùng. (Lúc đó giá trị những chiếc xe và phụ tùng đều được tính bằng “chỉ” hoặc “cây” vàng, tương đương với một gia tài nhỏ). Trước tình hình đó, Đảng Ủy và Ban giám đốc giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên tổ chức sắp xếp lại chỗ giữ xe cho nhân viên và khách của cơ quan. Sau khi nhận nhiệm vụ, Ban chấp hành Đoàn chúng tôi lên kế hoạch phân công mỗi phân đoàn luân phiên đi làm sớm để “chặn đường” ghi phiếu giữ xe và đề nghị CBCNV phải đưa xe vào nhà xe, không để chạy xe thẳng vào nơi làm việc như trước nữa. Công việc này được thực hiện đến khoảng gần 8g thì chúng tôi đóng cửa nhà xe và trở lại tiếp tục công việc chuyên môn của mình. Đến gần 4g chiều, chúng tôi lại ra nhà xe sớm để mở cửa và kiểm soát xe ra.
Tôi còn nhớ, một hôm có một vị lãnh đạo của một Viện đến làm việc với Viện trưởng lúc bấy giờ là BS. Cao Minh Tân, nhìn thấy các cử nhân Thanh Tuyền (Phó Bí thư Đoàn), cử nhân Ngọc Lan (UV BCH Đoàn) mặc áo blouse đang “lúi húi” ghi phiếu giữ xe làm ông rất ngạc nhiên. Sau này chúng tôi nghe kể lại, ngay khi gặp BS. Cao Minh Tân, ông “cự nự” liền: “ Bộ Viện của anh dư cán bộ đại học à?” (Thì ra ông cũng biết hai cô cử nhân này). Chú Minh Tân ngạc nhiên chưa kịp hiểu chuyện gì thì ông ta nói luôn: “ Vì tui thấy tụi nó phải ra giữ xe đó!”. Chú Minh Tân chợt hiểu, bật cười và giải thích cặn kẽ cho ông.
Việc làm này của chúng tôi đã được đa số CBCNV ủng hộ và khen ngợi. Sau ba tháng ổn định trật tự, việc đưa xe vào nhà giữ xe đã trở thành thói quen của mọi người. Được sự đồng ý của Đảng ủy và BGĐ, chúng tôi đã bàn giao công việc lại cho bảo vệ. Lúc này, Đoàn thanh niên rất vui mừng và hãnh diện vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng vẻ mỹ quan Viện cũng như bảo vệ trật tự an ninh của cơ quan.
Hôm nay, ngày ngày đi ngang qua Trung tâm đào tạo tôi lại bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc hoàn thành nhiệm vụ được xem là “bất khả thi” đối với chúng tôi lúc bấy giờ. Đó là vào năm 1984, được sự giúp đỡ của Hội Pháp Việt Hữu nghị và sự chấp thuận của Bộ Y tế, Viện đã tiếp nhận dự án “Xây dựng labo sản xuất vắc xin BCG” tại vị trí nhà căn tin cũ (nay là vị trí của Trung Tâm Đào tạo) nhằm thay thế cho labo trước đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Để chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho bên thi công, phòng hành chính quản trị phải lên kế hoạch dọn sạch toàn bộ các “xỉ” than bùn tại khu vực này. Trước đây, nơi này là căn tin của Viện nên việc nấu nướng lâu năm đã tạo ra một khối “xỉ” than có khối lượng khoảng 30m3. Do ngày đó không có lực lượng lao động thực hiện công việc này, phòng HCQT đã báo cáo Đảng ủy và BGĐ để xin ý kiến chỉ đạo. Một lần nữa, tôi lại được “triệu tập khẩn cấp” để nhận “nhiệm vụ” mới đó là: Đoàn thanh niên phải dọn sạch lớp “xỉ” than trong một ngày chủ nhật. Một lần nữa, Đoàn thanh niên lại hăm hở bắt tay vào nhiệm vụ mới với tinh thần “Đâu cần thanh niên có ”.
Sáng chủ nhật, chúng tôi tập hợp đoàn viên thanh niên lại và chia thành ba nhóm: nhóm một chịu trách nhiệm đào và xúc “xỉ” than đổ lên xe; nhóm hai chở xỉ than đi đổ ở ngoại thành và nhóm ba làm công tác hậu cần, nấu cơm trưa cho cả đoàn cùng ăn (nhóm này gồm các bạn nữ). Chúng tôi cứ nghĩ rằng có lẽ đến trưa là xong! Nhưng đến khi mặt trời đứng bóng mà chúng tôi cảm giác như là đống “xỉ” than ... vẫn còn nguyên (Có lẽ mệt quá nên mới thấy vậy!). Kệ, cứ nghỉ tay ăn cơm đã. Khi chúng tôi ăn thì cơm giống như….gạo “hấp”. Thì ra lúc nấu cơm, các bạn nữ có “sáng kiến” cho gạo vào…nồi hấp tiệt trùng để nấu cho nhanh vì sợ cơm không kịp chín để phục vụ cho “lực lượng lao động” hùng hậu này. Chúng tôi cứ ăn và ăn rất ngon lành vì…không có thứ gì để ăn ngoài cái gọi là “cơm” đó (Có lẽ vì… quá đói chăng? Lúc đó, chúng tôi chẳng biết gì về an toàn sinh học như bây giờ mà sợ lây nhiễm!). Sau bữa cơm, chúng tôi lại hối hả bắt tay vào dọn dẹp. Cứ thế công việc tiếp diễn cho đến tối thì chúng tôi mới dọn xong toàn bộ đống “xỉ” than. Mặc dù trời đã tối mịt và bản thân ai cũng mệt nhoài, nhưng khi nhìn mặt sân ngổn ngang bề bộn trước đây đã được dọn dẹp bằng phẳng sạch sẽ - thành quả của một ngày lao động vất vả - mọi người rất vui mừng và thở phào nhẹ nhõm. Sáng thứ hai, chúng tôi bàn giao mặt bằng sạch sẽ, gọn gàng cho phòng HCQT trong ánh mắt ngạc nhiên và thán phục của mọi người. Thế là một lần nữa Đoàn thanh niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong tôi và các bạn đoàn viên thanh niên dậy lên một niềm tự hào và vui sướng. Lúc đó không ai trong chúng tôi nghĩ rằng đây là sự khởi đầu cho một sự nghiệp vô cùng quan trọng: ngăn chặn và đẩy lùi bệnh lao cho trẻ em Việt Nam bằng những liều vắc xin sẽ được sản xuất với chất lượng tốt hơn trong nhiều thập niên tới. Khi dự án bắt đầu thực hiện, một số đoàn viên thanh niên đã được gửi sang Pháp đào tạo để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật sản xuất vắc xin BCG đông khô theo quy trình mới. Từ dự án này, một số đoàn viên thanh niên đã trưởng thành và trở thành những cán bộ quản lý và lãnh đạo đơn vị, tiếp tục kế thừa xứng đáng sự nghiệp của thế hệ đi trước đã để lại.
Thời gian trôi qua thật nhanh thấm thoát đã gần 30 năm, đã có biết bao sự kiện nối tiếp nhau theo dòng thời gian, có những việc tôi đã quên, nhưng có những việc vẫn hằn sâu trong tâm thức. Những cán bộ đoàn và đoàn viên thanh niên ngày ấy, dù có người đã rời xa Viện do cuộc sống hoặc hoàn cảnh bắt buộc, có người vẫn còn ở lại tiếp tục công việc của mình, nhưng có lẽ sẽ không ai quên những kỷ niệm thật đẹp này. Kỷ niệm của một thời khó khăn, vất vả của tuổi thanh xuân, nhưng không bao giờ thiếu niềm lạc quan, vô tư trong sáng, không một chút gợn đục bởi những tính toán thiệt hơn và…không có cái “tôi” trong suy nghĩ.
Hy vọng rằng những kỷ niệm này của tôi (và chắc chắn cũng của không ít những đoàn viên thanh niên cùng thế hệ tôi khi đó) sẽ không phải chỉ là kỷ niệm của riêng mình mà sẽ trở thành những điều chia sẻ với thế hệ các bạn trẻ ngày nay và trong tương lai./.