HỘI NGHỊ KẾT THÚC DỰ ÁN MUỖI VẰN MANG WOLBACHIA KHU VỰC PHÍA NAM TẠI TỈNH TIỀN GIANG
Sáng ngày 10/08/2023, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Muỗi Thế giới (World Mosquito Program - WMP) của Đại học Monash, Úc và Tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam (AOP) tổ chức hội nghị “Kết thúc Dự án thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang. Chủ nhiệm dự án là TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và đồng Chủ nhiệm dự án là GS. Scott Leslie O’Neill - Giám đốc Văn phòng Điều hành kiêm Giám đốc hoạt động thực địa, Chương trình Muỗi thế giới (WMP). Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm từ dự án và chia sẻ những đề xuất để chuẩn bị cho nghiên cứu đánh giá hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue của phương pháp Wolbachia trong giai đoạn tới tại Việt Nam.
Tham dự hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, BSCKII. Nguyễn Hữu Diệp - Phó Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Tiền Giang, và BSCKII. Võ Thanh Nhơn - Phó Giám Đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang. Đại diện Nhà tài trợ dự án có đại diện Chương trình Muỗi thế giới (WMP), đại diện Tổ chức Action on Poverty (AOP) và Tổ chức Earth Corporation. Ngoài ra, có các đại diện đến từ Viện Pasteur Nha Trang, UBND các phường (từ Phường 1 đến Phường 8) của TP. Mỹ Tho, Sở Y tế Tỉnh Tiền Giang, TTKSBT Tỉnh Tiền Giang, TTYT TP. Mỹ Tho và đại diện các trạm Y tế 8 phường tham gia dự án.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung đánh giá cao những kết quả đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kiểm soát sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Hội nghị kết thúc một giai đoạn nghiên cứu Dự án Wolbachia khu vực phía Nam. Dự án này ứng dụng phương pháp Wolbachia trong phòng chống bệnh SXHD và một số bệnh nguy hiểm khác do muỗi vằn lây truyền cho người lần đầu triển khai tại 02 khu vực ở miền Nam. Sau thời gian triển khai bước đầu, quần thể muỗi đã được duy trì trong tự nhiên cho thấy đây là một phương pháp an toàn, tự nhiên và hiệu quả. Hiện nay, Viện Pasteur TP. HCM đã làm chủ công nghệ sản xuất loại muỗi mang Wolbachia với kỹ thuật ngang tầm thế giới. Sau thời gian triển khai bước đầu. Viện và các đối tác của Viện sẽ tiếp tục theo dõi quần thể muỗi này và hiệu quả trong phòng chống bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung phát biểu tại Hội nghị kết thúc Dự án Wolbachia khu vực phía Nam tại tỉnh Tiền Giang
Đại diện các đơn vị hợp tác thực hiện Dự án Wolbachia khu vực Phía Nam
Dự án Wolbachia khu vực phía Nam là một dự án nhằm thiết lập quần thể muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia ở những nơi lưu hành dịch bệnh do muỗi truyền thông qua các ly thả muỗi được treo trong các khu vực dân cư. Vi khuẩn Wolbachia trong muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) sẽ làm giảm khả khăng lan truyền các vi-rút gây bệnh sang người, làm giảm nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết Dengue, Zika, Chikungunya và sốt vàng. Khi muỗi mang Wolbachia được thả ra môi trường, chúng sẽ giao phối với muỗi trong tự nhiên. Theo thời gian, ở khu vực thả muỗi, tỷ lệ muỗi mang Wolbachia tăng dần và đạt tỷ lệ cao mà không cần phải thả thêm.
“Dự án đã thả muỗi trên tổng diện tích 36 km2 với số dân 261,000 người ở 13 phường trung tâm của 2 thành phố (5 phường ở Thủ Dầu Một và 8 phường ở Mỹ Tho). Quần thể muỗi mang Wolbachia đang phát triển để thiết lập ổn định. Các hoạt động theo dõi kết quả dự án sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 và 2025 để khẳng định việc thiết lập quần thể muỗi mang Wolbachia và các tác động về y tế cộng đồng.” PGS. TS. Nguyễn Vũ Trung cho biết.
ThS.BS Lương Chấn Quang báo cáo kết quả triển khai dự án
ThS. Lý Huỳnh Kim Khánh, Phụ trách Khoa Côn trùng và Động vật Y học báo cáo kết quả tại Hội Nghị
Ông Peter Anthony Ryan - Giám đốc Văn phòng Điều hành kiêm Giám đốc hoạt động thực địa, Chương trình Muỗi thế giới (WMP) cập nhật chương trình toàn cầu
ThS.BS. Dương Lệ Quyên, Đại diện Chương trình muỗi Thế Giới báo cáo kết quả thực hiện triển khai thả muỗi mang Wolbachia tại xã Vĩnh Lương, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Theo kế hoạch hiện tại, Viện Pasteur Thành TP. HCM và các đối tác của Viện sẽ triển khai các hoạt động theo dõi quần thể muỗi mang Wolbachia tại hai địa phương đã triển khai thả muỗi cho đến tháng 7/2025. Các ca mắc sốt xuất huyết vẫn có thể phát sinh sau khi thả muỗi, bởi vì cần có thời gian để tỷ lệ Wolbachia tăng dần và thiết lập ổn định trong quần thể muỗi vằn; và cũng có thể là do người dân di chuyển tới các khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết Dengue mà chưa thả muỗi Wolbachia. Tuy nhiên, số ca mắc được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể khi mật độ muỗi vằn mang Wolbachia tăng lên.
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 90,000 ca mắc với khoảng 70% số ca ghi nhận ở Khu vực phía Nam. Đồng thời, ước tính hàng năm có hàng trăm ngàn ca không có triệu chứng không được phát hiện, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác, khiến dịch bệnh khó kiểm soát. Riêng trong năm 2022, thống kê cho thấy Việt Nam ghi nhận tổng cộng hơn 361.000 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, trong đó có 133 ca tử vong.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung tuyên bố kết thúc dự án thả muỗi vằn mang Wolbachia khu vực phía Nam tại tỉnh Tiền Giang và gửi lời cảm ơn đến các đối tác đã nỗ lực triển khai dự án, sự giúp đỡ quý báu của các cấp chính quyền trung ương và địa phương, sự hỗ trợ chặt chẽ của Chương trình muỗi thế giới (WMP), sự phối hợp của Tổ chức Action on Poverty (AOP) đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chương trình muỗi thế giới (WMP) trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam tham gia Dự án Wolbachia
Khoa Côn trùng và Động vật Y học
Phạm Thị Thúy Ngọc