CẢ GIA ĐÌNH BẠN ĐÃ ĐƯỢC BẢO VỆ KHỎI 3 BỆNH NGUY HIỂM BẠCH HẦU – UỐN VÁN – HO GÀ?
Tác giả: ThS.Bs. Nguyễn Thị Thu Hường
Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh
1. Hiện nay các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà có thường gặp không?
Bạch hầu, uốn ván, ho gà là những bệnh truyền nhiễm có từ lâu đời, đã từng để lại những hậu quả lớn đến sức khỏe con người trong quá khứ. Cho đến ngày nay tưởng chừng những bệnh này không còn xuất hiện, nhưng thực tế chúng ta vẫn chứng kiến các trường hợp tử vong do mắc các bệnh trên. Ở Việt Nam năm 2019-2020 còn ghi nhận các ổ dịch bạch hầu. Hàng ngày vẫn có hàng chục bệnh nhân, phần lớn là đàn ông tuổi lao động và người già bị uốn ván đang phải nằm điều trị tại các khoa hồi sức trên cả nước.
Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi vẫn còn phổ biến với gánh nặng bệnh tật to lớn. Các trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong đều là các trường hợp không được tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đầy đủ. Điều này thực sự đáng buồn vì đây là những bệnh lý đã có vắc-xin phòng bệnh rất hiệu quả và an toàn với chi phí thấp.
2. Nguyên nhân gây bệnh là gì và mức độ nguy hiểm của các bệnh trên như thế nào?
2.1. Bạch hầu (Diphtheria)
Vi trùng gây bệnh bạch hầu là Corynebacterium diphtheriae, là vi trùng yếm khí. Vi trùng lây từ người qua người qua các giọt bắn, chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh. Nhiễm trùng xảy ra ở niêm mạc hô hấp trên hoặc da, từ đó vi trùng sản sinh ra ngoại độc tố.
Ngoại độc tố của vi trùng bạch hầu ức chế tổng hợp protein của tế bào ký chủ, từ đó tạo nên giả mạc ở đường hô hấp trên. Ngoài ra độc tố đi vào máu và gây tổn thương tế bào cơ tim và tế bào hệ dẫn truyền của tim, tổn thương thận và thần kinh ngoại biên. Trong đó tổn thương tim là tổn thương không hồi phục còn tổn thương tế bào thần kinh ngoại biên thì hồi phục chậm.
Hiện bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị, song hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc được điều trị sớm hay muộn (WHO ước tích: cứ 10 người bị bạch hầu thì có 1 người tử vong). Do vậy những thể bệnh diễn tiến nhanh, được chẩn đoán và điều trị muộn thường dẫn đến những biến chứng nặng không hồi phục hoặc tử vong.
2.2. Uốn ván (Tetanus)
Vi trùng gây bệnh uốn ván là Clostridium tetani, là vi trùng sinh nha bao, yếm khí bắt buộc. Nha bào uốn ván vẫn và luôn tồn tại trong môi trường ở mọi vùng miền, đặc biệt là các môi trường ấm, ẩm và giàu chất hữu cơ.
Nha bào uốn ván xâm nhập vào người qua vết thương sâu, vết bỏng, vết đâm, vết cắn, cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng không vô trùng…ở đó nha bào sẽ phát triển thành vi trùng và sinh ngoại độc tố Tetanospasmin, đây là độc tố thần kinh.
Độc tố uốn ván Tetanospasmin ức chế giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trung gian ở các synap từ đó dẫn đến sự co và cứng cơ liên tục và các rối loạn của hệ thần kinh thực vật. Co cứng cơ làm người bệnh không thể thở, nhai, nuốt, không thể đi lại, nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong vì sặc, ngưng thở,…
Hiện nay nhờ tiến bộ của các thiết bị hồi sức tỉ lệ tử vong do uốn ván đã giảm đáng kể (WHO ước tích: cứ 5 người bị uốn ván thì có 1 người tử vong, song thời gian điều trị bệnh thường kéo dài nhiều tuần ở các khoa hồi sức kéo theo nhiều gánh nặng về kinh tế. Riêng uốn ván ở trẻ sơ sinh có tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều.
2.3. Ho gà (Pertussis/whooping cough)
Vi trùng ho gà là Bordetella pertussis, là cầu – trực khuẩn có kích thước rất nhỏ, có tính hướng với các biểu mô có lông mao của đường hô hấp.
Vi trùng lây từ người qua người qua các giọt bắn và chất tiết đường hô hấp của người bệnh.
Vi trùng tiết ra filamentous haemagglutinin (FHA), fimbrae (FIM), và Pertactin (PRN) giúp chúng gắn vào các tế bào biểu mô hô hấp có lông.
Yếu tố độc lực quan trọng nhất của vi trùng ho gà là Pertussis toxin (PT), độc tố này phá hủy chức năng tế bào và ức chế hoạt động thực bào, tăng nhạy cảm với histamin. PT cũng tham gia tạo thành các cơn ho đặc trưng của bệnh ho gà.
Ngày nay bệnh ho gà vẫn gặp ở trẻ sơ sinh, và nguồn lây bệnh là từ người lớn và các trẻ lớn trong gia đình. Ho gà sơ sinh thường diễn tiến nặng với nhiều biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cũng có xu hướng gia tăng ở người lớn tuổi.
Ảnh 5: Trẻ sơ sinh bị ho gà (Nguồn: CDC Hoa Kỳ)
3. Các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà có thể phòng ngừa bằng vắc-xin không?
Vắc-xin ngừa các bệnh bạch hầu uốn ván ho gà đã ra đời vào đầu thế kỷ 20 và được tiêm ngừa rộng rãi ở các nước phát triển ngay sau khi các vắc-xin ra đời. Đến nay các vắc-xin này đã được tiêm rộng rãi trên toàn thế giới. Các vắc-xin trên đã chứng minh tính hiệu quả, tính an toàn của chúng và đồng thời cũng chứng minh tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và chi phí thấp. Ngày nay với các tiến bộ mới của y học vắc-xin càng trở nên hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn.
4. Ở Việt Nam có những loại vắc-xin nào ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà?
Loại vắc-xin
|
Tên các vắc-xin
|
TDaP
(vắc-xin ngừa bạch hầu-uốn ván- ho gà vô bào nguyên liều)
|
Vắc-xin 6 trong 1: TDaP-IPV-HepB-Hib
Vắc-xin 4 trong 1: TDaP-IPV
|
TDwP
(vắc-xin ngừa bạch hầu-uốn ván- ho gà nguyên bào nguyên liều)
|
Vắc-xin 5 trong 1 (trong chương trình tiêm chủng mở rộng): TDwP-HepB-Hib
Vắc-xin 3 trong 1: DTC hoặc DTP chương trình tiêm chủng quốc gia tiêm cho trẻ lúc 16 -18 tháng tuổi.
|
Tdap
(vắc-xin ngừa bạch hầu-uốn ván-ho gà giảm liều kháng nguyên bạch hầu và ho gà)
|
Vắc-xin 3 trong 1: Tdap
|
Td
(vắc-xin ngừa bạch hầu – uốn ván giảm liều kháng nguyên bạch hầu)
|
Td
|
VAT
(vắc-xin ngừa uốn ván)
|
VAT
|
D, P: thể hiện nguyên liều kháng nguyên bạch hầu, ho gà;
d,p: thể hiện giảm liều kháng nguyên bạch hầu, ho gà
5. Ai là người cần tiêm ngừa Bạch hầu –Uốn ván – Ho gà?
Tất cả mọi người đều nên tiêm ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà nếu chưa được tiêm và tiêm nhắc định kỳ theo tư vấn của bác sĩ.
6. Nên tiêm ngừa Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà như thế nào?
Người được tiêm nên bắt đầu với một liệu trình cơ bản (thường là 3 mũi)
Tiêm nhắc định kỳ để bảm bảo hiệu quả phòng bệnh
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
Vắc-xin cần tiêm TDaP hoặc TDwP có trong các vắc-xin phối hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1.
Liệu trình tiêm:
• 2 tháng
• 3 tháng
• 4 tháng
• 16 đến 18 tháng
Trẻ từ 4 – 6 tuổi
Các trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 6 nên được tiêm nhắc 01 liều vắc-xin bạch hầu- uốn ván- ho gà
Thiếu niên
Các trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 15 nên được tiêm nhắc 01 liều vắc-xin bạch hầu- uốn ván- ho gà
Phụ nữ mang thai
Tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm 01 liều vắc-xin bạch hầu- uốn ván- ho gà vào tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ (27 đến 36 tuần thai).
Người trưởng thành
Từ năm 1985 Chương trình tiêm chủng quốc gia ở Việt Nam được chính thức bắt đầu cho tất cả trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Do vậy, hiện tại ở nước ta có một lượng lớn người trưởng thành đặc biệt là đàn ông sinh trước năm 1985 chưa được tiêm ngừa uốn ván hoặc tiêm chưa đủ liều của phác đồ tiêm cơ bản. Cũng vì lý do trên các ca bệnh uốn ván ở Việt Nam hiện nay có tỉ lệ lớn là đàn ông trong tuổi lao động.
Người lớn cũng rất cần được tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu uốn ván ho gà:
- Những người chưa bao giờ được tiêm nên tiêm 03 liều cơ bản. Sau đó mỗi 5-10 năm nên nhắc lại 01 liều.
- Với những người đã được tiêm liều cơ bản cần tiêm nhắc mỗi 5-10 năm.
Người có vết thương
Tất cả người có vết thương hở cần được đến các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa uốn ván
7. Đến cơ sở y tế nào để được tiêm ngừa Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà?
Bạn có thể tiêm ngừa Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà ở các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ, các trung tâm y tế, các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế tư nhân khác đã đăng ký đủ điều kiện thực hiện hoạt động tiêm chủng…
“Một mũi tiêm bảo vệ cả gia đình. Tiêm chủng là một trong những biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc gia đình bạn” (ảnh: CDC Hoa Kỳ)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. https://www.cdc.gov/Vaccins/hcp/vis/vis-statements/dtap.htm
2. https://tiemchungmorong.vn/vi/content/lich-su-tcmr.html
3. Tetanus Vaccins: WHO position paper – February 2017. Wkly Epidemiol Rec. 2017 Feb 10;92(6):53-76.
4. Diphtheria Vaccin: WHO position paper – August 2017. Wkly Epidemiol Rec. 2017 Aug 04;92(31):417-35.
5. Pertussis Vaccins: WHO position paper - September 2015. Wkly Epidemiol Rec. 2015 Aug 28;90(35):433-58.