BỆNH VIÊM GAN VI–RÚT B VÀ VẮC-XIN PHÒNG NGỪA
Tác giả: Ths.Bs. Nguyễn Minh Ngọc
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh
1. Viêm gan là gì?
Viêm gan là gan bị viêm hoặc tổn thương làm giảm hoạt động chức năng. Một số nguyên nhân gây viêm gan như: sử dụng nhiều rượu, chất độc, một số loại thuốc và một số tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, viêm gan thường do vi-rút gây ra như: vi-rút viêm gan A (HAV), vi-rút viêm gan B (HBV), và vi-rút viêm gan C (HCV).
2. Viêm gan B là gì?
Viêm gan vi-rút B là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do HBV gây ra. Một số người nhiễm HBV chỉ bị bệnh trong vài tuần (được gọi là nhiễm trùng “cấp tính”), nhưng những người khác, bệnh tiến triển thành một bệnh nghiêm trọng, kéo dài suốt đời được gọi là viêm gan B mạn tính.
3. Viêm gan B cấp tính là gì?
Viêm gan B cấp tính là viêm gan xảy ra khi một người tiếp xúc với HBV nhưng bệnh chỉ diễn tiến ngắn hạn trong vòng 6 tháng. Một số người bị viêm gan B cấp tính hoàn toàn không có triệu chứng hoặc chỉ bị bệnh nhẹ. Đối với những người khác, viêm gan B cấp tính có thể gây biến chứng nghiêm trọng cần phải nhập viện.
4. Viêm gan B mạn tính là gì?
Nhiễm HBV ở thời thơ ấu thường dẫn đến vi-rút tồn tại suốt đời được gọi là nhiễm HBV mạn tính. Khi bị nhiễm HBV ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ phát triển thành bệnh mạn tính càng cao. Theo thời gian, nhiễm HBV mạn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
5. Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính là gì?
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi và những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng (như hệ thống miễn dịch bị tổn thương): không có triệu chứng. Một số trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người lớn có các triệu chứng của bệnh viêm gan B cấp tính. Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính có thể bao gồm: Sốt, mệt mỏi, ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, nước tiểu đậm, đau khớp, vàng da.
6. Bao lâu sau khi tiếp xúc với HBV thì các triệu chứng sẽ xuất hiện và chúng kéo dài bao lâu?
Nếu các triệu chứng xảy ra, chúng sẽ bắt đầu trung bình 90 ngày (hoặc 3 tháng) sau khi tiếp xúc với vi-rút, nhưng chúng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong khoảng từ 8 tuần đến 5 tháng sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng thường kéo dài vài tuần, nhưng một số người có thể kéo dài trong vòng 6 tháng.
7. Các triệu chứng của nhiễm HBV mạn là gì?
Hầu hết những người bị nhiễm vi-rút viêm gan B mạn tính không có bất kỳ triệu chứng nào, không cảm thấy bị bệnh và không có triệu chứng trong thời gian dài. Một số người vẫn không có triệu chứng ngay cả khi gan của họ đã bị tổn thương, nhưng khi xét nghiệm máu về chức năng gan có thể cho thấy một số bất thường.
8. Viêm gan B mạn tính nghiêm trọng như thế nào?
Nhiễm HBV mạn tính có thể diễn tiến đến suy gan, ung thư gan và thậm chí tử vong. Khoảng 1/4 người bị nhiễm mạn tính trong thời thơ ấu và khoảng 15% những người bị nhiễm mạn tính sau thời thơ ấu sẽ chết vì các bệnh gan nghiêm trọng, như xơ gan hoặc ung thư gan.
9. HBV lây lan như thế nào?
HBV lây lan khi máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm HBV xâm nhập vào cơ thể của người không bị nhiễm bệnh. HBV lây lan do:
- Mẹ nhiễm HBV sinh con
- Quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm HBV
- Dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ pha chế thuốc bị ô nhiễm
- Chia sẻ các vật dụng bị ô nhiễm như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc thiết bị y tế (như máy đo đường huyết) với người bị nhiễm HBV
- Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc vết thương hở của người bị nhiễm HBV
- Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm HBV qua kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác
- Kiểm soát nhiễm khuẩn kém tại các cơ sở y tế
Mặc dù HBV có thể được tìm thấy trong nước bọt, nhưng nó không lây lan qua việc hôn hoặc dùng chung đồ dùng. HBV không lây lan qua hắt hơi, ho, ôm, cho con bú hoặc qua thức ăn hoặc nước uống.
10. HBV có lây qua đường tình dục không?
HBV có thể được tìm thấy trong máu, tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh. Một người quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm bệnh có thể bị nhiễm vi-rút.
11. HBV có lây qua đường ăn uống không?
HBV không lây lan qua thức ăn hoặc nước uống.
12. Ai có nguy cơ cao nhiễm HBV?
Ai cũng có thể bị nhiễm HBV, nhưng những người sau có nguy cơ cao hơn:
- Trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HBV
- Những người sinh ra ở một số quốc gia nơi bệnh viêm gan B phổ biến
- Những người đã từng bị giam giữ
- Những người tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các loại dụng cụ tiêm chích ma túy khác
- Bạn tình của người bị nhiễm HBV
- Những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Người bị nhiễm HIV
- Nam giới có quan hệ tình dục với nam giới
- Những người sống với người bị nhiễm HBV
- Nhân viên y tế và an toàn công cộng tiếp xúc với máu trong công việc
- Người chạy thận nhân tạo
- Những người có nồng độ men gan cao
13. Làm thế nào để tôi biết nếu tôi bị nhiễm HBV?
Vì nhiều người bị nhiễm HBV không có triệu chứng nên bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để chẩn đoán. Tất cả người lớn nên được xét nghiệm HBV ít nhất một lần trong đời. Người mang thai nên được kiểm tra trong mỗi lần mang thai.
14. Tôi nên làm gì sau khi biết mình bị nhiễm HBV?
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn bị nhiễm HBV, bạn nên nói chuyện với bác sĩ có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh viêm gan B. Đây có thể là bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ gia đình, hoặc có thể là người chuyên điều trị người mắc các bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa, gan.
15. Ai nên xét nghiệm HBV?
Xét nghiệm HBV nên thực hiện cho:
- Tất cả người lớn từ 18 tuổi trở lên một lần trong đời
- Tất cả những người mang thai, trong mỗi lần mang thai
- Trẻ sinh ra từ người mẹ có nhiễm HBV
- Bất kỳ người nào yêu cầu xét nghiệm HBV
16. Viêm gan B có thể phòng tránh được không?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm HBV là chủng ngừa. Vắc-xin viêm gan B an toàn và hiệu quả.
17. Ai nên tiêm ngừa HBV?
Tất cả mọi người đều có thể tiêm ngừa HBV nhưng những đối tượng sau nên được tiêm ngừa: Tất cả trẻ sơ sinh, tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi chưa được tiêm ngừa, người lớn từ 19 đến 59 tuổi, người lớn từ 60 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm gan B.
18. Vắc-xin viêm gan B có an toàn không?
Vắc-xin ngừa viêm gan B là an toàn. Như với bất kỳ loại thuốc nào, có những rủi ro dẫn đến vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng rất hiếm, các phản ứng như đau nhức tại chỗ tiêm là tác dụng phụ phổ biến nhất.
19. Tôi có thể bị nhiễm HBV sau khi tiêm ngừa không?
Vắc-xin không chứa bất kỳ vi-rút sống nào và không thể gây nhiễm HBV.
20. Tôi nên làm gì nếu tôi đã tiêm nhưng không hoàn thành đủ liều vắc-xin viêm gan B?
Nếu bạn bắt đầu tiêm vắc-xin viêm gan B, nhưng sau đó bạn bỏ lỡ liều tiêm, bạn nên tiêm liều tiếp theo càng sớm càng tốt, không cần tiêm lại từ đầu.
21. Có vắc-xin bảo vệ cả viêm gan A và viêm gan B không?
Có, có loại vắc-xin kết hợp được chấp thuận cho cả người lớn và trẻ em để bảo vệ mọi người khỏi HAV và HBV.
22. Tôi có thể tiêm vắc-xin viêm gan B cùng lúc với các loại vắc-xin khác không?
Bạn có thể tiêm hai loại vắc-xin khác nhau cùng một lúc và điều này không có hại.
23. Nếu một người đang mang thai bị nhiễm HBV, có cách nào để tránh cho con của họ bị nhiễm vi-rút không?
Hầu hết các trường hợp đều có thể ngăn ngừa lây nhiễm HBV ở trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HBV. Những trẻ sơ sinh này phải được tiêm các mũi tiêm cần thiết vào những thời điểm được khuyến cáo: tiêm kết hợp globulin miễn dịch viêm gan B (được gọi là HBIG) và vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 12 giờ sau khi sinh, tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin ngừa viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Người mẹ lúc mang thai cần xét nghiệm định lượng HBV trong máu để bác sĩ quyết định xem có cần sử dụng thuốc kháng vi-rút trong thai kỳ hay không.
24. Tôi có thể chủng ngừa viêm gan B ở đâu?
Bạn có thể đến các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng (trong đó có Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh) để chủng ngừa viêm gan B.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. CDC, HepatitisB Information: Frequently Asked Questions for the Public, https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm