Bệnh than
Ngày đăng: 08:13:03 22/10/2014
Bệnh than thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

BỆNH THAN

(Anthrax)

ICD-10 A22: Anthrax

Bệnh than thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

  1. Đặc điểm của bệnh

1.1. Định nghĩa ca bệnh

- Ca bệnh lâm sàng:

+ Là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương mồm-họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa. Ở thể da, chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.

+ Triệu chứng đầu tiên của bệnh than thể phổi là triệu chứng cấp tính nhẹ và không đặc trưng của suy hô hấp giống như bị nhiễm đường hô hấp trên thông thường. Trên X quang cho biết trung thất to hơn, sốt và sốc sau 3-5 ngày và sau đó là tử vong. Bệnh than thể ruột hiếm gặp và khó phát hiện trừ khi bệnh có xu hướng xảy ra thành dịch lớn ở dạng ngộ độc thức ăn. Đau bụng dữ dội kèm theo sốt, nhiễm khuẩn huyết và kết thúc bằng tử vong trong những trường hợp điển hình. Thể mồm-họng của bệnh tiên phát cũng đã được mô tả.

- Ca bệnh xác định: Chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm bằng cách tìm thấy trực khuẩn gây bệnh từ máu, nốt loét hoặc chất tiết trong tiêu bản nhuộm trực tiếp, nuôi cấy, tiêm truyền cho chuột lang, thỏ. Xét nghiệm huyết thanh học để xác định hiệu giá kháng thể tăng trong huyết thanh kép được thực hiện ở các phòng thí nghiệm chuyên khoa.

1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Bệnh do Staphylococcus, bệnh dịch hạch, bệnh Tulamremia.

- Các triệu chứng ban đầu do hít phải trực khuẩn than không đặc hiệu và giống như các bệnh đường hô hấp trên khác. Đặc điểm của bệnh là tiến triển đột ngột đến giai đoạn cấp tính, có tình trạng suy hô hấp nặng.

- X quang phổi có hình ảnh điển hình của thể hô hấp với trung thất dãn rộng.

- Thể tiêu hoá có các triệu chứng dạ dày ruột. Có thể tìm thấy vi khuẩn trong chất nôn và phân. Có khả năng khác là bệnh có thể ở mức nặng như lỵ và Yersinia. Có thể có triệu chứng của viêm cầu họng nặng như thỉnh thoảng gặp ở nhiễm khuẩn do Streptococcus.

1.3. Xét nghiệm

- Loại mẫu bệnh phẩm:

+ Thể da: Lấy dịch bọng nước trong giai đoạn bọng nước; lấy dịch dưới vảy trong giai đoạn đóng vảy.

+ Thể phổi: đờm, máu

+ Thể dạ dày - ruột: máu, phân

+ Bệnh phẩm có thể là đất nơi chôn động vật chết, da, xương

- Phương pháp xét nghiệm:

+ Phương pháp nhuộm Gram: Vi khuẩn hình viên gạch, Gram dương

+ Phương pháp phân lập: Cấy bệnh phẩm lên môi trường thạch. Vi khuẩn than mọc thành khuẩn lạc xù xì (khuẩn lạc R)

+ Phương pháp gây bệnh cho động vật thí nghiệm.

+ Phương pháp miễn dịch huỳnh quang.                                                

  1. Tác nhân gây bệnh

- Tên tác nhân: trực khuẩn than (Bacillus anthrasis)  

- Hình thái: Có kích thước lớn từ 1 - 1,5 x 3 mm hai đầu vuông, đứng riêng rẽ hoặc xếp thành chuỗi, bắt màu gram dương. Ở ngoại cảnh hoặc trong môi trường nuôi cấy, bào tử được hình thành, nằm ở giữa thân không làm thay đổi hình thể vi khuẩn. Ở động vật bị bệnh, vi khuẩn có vỏ. Trong các môi trường nuôi cấy thông thường, vi khuẩn không tạo vỏ.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Thường rất lâu dài. Bào tử than có thể tồn tại trong đất 5 - 10 năm.

  1. Đặc điểm dịch tễ học

Phân bố theo thời gian, địa điểm, con người: Bệnh thường lưu hành ở các nước Nam Mỹ, Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, Châu Á và Châu Phi, bệnh thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết thịt động vật ăn cỏ, ở những công nhân chế biến da, lông thú; những nhân viên thú y...

  1. Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: Động vật, thường là động vật ăn cỏ bao gồm cả động vật hoang dã cũng như gia súc làm lan truyền trực khuẩn trong chảy máu, lúc chết. Ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn tạo bào tử và bào tử B.anthracis rất bền vững với những điều kiện môi trường khắc nghiệt và sự khử khuẩn, vi khuẩn có thể sống sót trong đất nhiều năm sau khi động vật bị bệnh đã bị tiêu diệt. Da động vật bị nhiễm trực khuẩn mặc dù đã được chế biến có thể là nơi trú ngụ của bào tử trong nhiều năm và là vật truyền bệnh trên toàn thế giới.

- Thời gian ủ bệnh: Từ một vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc.

- Thời kỳ lây truyền: Lây truyền từ người sang người rất hiếm. Đồ vật và đất bị nhiễm bào tử có thể tồn tại hàng chục năm.

  1. Phương thức lây truyền:

- Lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh hoặc do sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật bị nhiễm khuẩn dùng cho việc chăm bón vườn tược.

- Bệnh than thể phổi xảy ra là do hít phải bào tử vi khuẩn trong công nghiệp chế biến da, len, xương. Bệnh than thể ruột và thể mồm - họng là do ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn. Không có bằng chứng về việc lây truyền bệnh than từ sữa động vật nhiễm khuẩn. Bệnh lây truyền trong gia súc ăn cỏ qua thức ăn và đất bị nhiễm. Còn giữa các động vật ăn tạp và ăn thịt thì bệnh lây truyền qua thức ăn, các sản phẩm thức ăn chế biến từ xương bị nhiễm. Động vật hoang dã lây bệnh là do ăn phải xác động vật chết vì bệnh than. Những loài chim ăn thú vật chết cũng có thể truyền bệnh từ vùng này sang vùng khác. Nhiễm khuẩn ngẫu nhiên có thể xảy ra ở những nhân viên làm trong phòng thí nghiệm.

  1. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Chưa rõ ràng; có một số bằng chứng về nhiễm thể ẩn ở người thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh; mắc bệnh lần thứ hai có thể xảy ra nhưng rất hiếm.
  2. Các biện pháp phòng chống, dịch:

7.1. Biện pháp dự phòng:

- Tuyên truyền, giáo dục công nhân giữ gìn vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm khuẩn có khả năng bị lây truyền bệnh than và cách chăm sóc chỗ da bị xây xát.

- Vệ sinh phòng bệnh:

+ Phòng chống bụi và đảm bảo thông gió tốt ở những ngành công nghiệp có nguy cơ lây bệnh than, đặc biệt ở những nơi chế biến nguyên vật liệu động vật thô. Duy trì kiểm tra sức khỏe thường kỳ cho công nhân với sự chăm sóc y tế kịp thời đối với những chỗ da bị tổn thương nghi nhiễm khuẩn. Sử dụng quần áo bảo hộ lao động, nhà tắm thích hợp để tắm giặt và thay quần áo sau khi làm việc. Dùng hơi focmaldehyt để tiệt khuẩn giai đoạn cuối cùng ở những nhà máy bị nhiễm B. anthracis.

+ Rửa, tiệt khuẩn cẩn thận các lông, da, các sản phẩm của xương và các thức ăn khác nguồn gốc động vật thật cẩn thận trước khi chế biến.

+ Không bán da của những súc vật nhiễm bệnh than và không được dùng xác những súc vật này làm thức ăn.

+ Nếu nghi là bệnh than thì không cần mổ xác súc vật nhưng lấy mẫu máu vô khuẩn ở cổ để nuôi cấy vi khuẩn. Tránh gây nhiễm ra xung quanh. Do sơ xuất đã mổ xác súc vật thì phải tiệt khuẩn và tiêu hủy tất cả các dụng cụ và vật dùng. Vì bào tử than có thể sống hàng chục năm ở ngoại cảnh, cần chôn sâu xác chết, không được đốt ở ngoài trời. Tẩy uế nơi có xác chết và chất thải của gia súc bằng dung dịch kiềm 5%, oxit canxi (vôi bột). Xác súc vật phải được phủ một lớp vôi bột trước khi chôn.

+ Kiểm tra nước thải và chất thải từ các nhà máy chế biến súc vật có thể bị nhiễm bệnh và các nhà máy sản xuất sản phẩm từ lông, da có thể bị nhiễm khuẩn.

7.2. Biện pháp chống dịch:

- Tổ chức: Thành lập đội chống dịch.

- Chuyên môn:

+ Thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân: Bệnh nhân cần được thu dung và cách ly điều trị. Phải giám sát những chất thải trong thời gian bệnh nhân bị bệnh thể da và thể phổi. Điều trị kháng sinh trong vòng 24 giờ.

+ Dự phòng cho đối tượng có nguy cơ: Tiêm phòng gây miễn dịch ngay và thường xuyên tiêm nhắc lại hàng năm cho tất cả súc vật có nguy cơ mắc bệnh. Điều trị súc vật có triệu chứng bệnh bằng penixilin hoặc tetraxyclin. Tiêm phòng cho tất cả các súc vật sau khi điều trị khỏi (không nên ăn các súc vật này trong vài tháng sau khi khỏi bệnh). Có thể điều trị thay thế cho tiêm phòng đối với súc vật đã tiếp xúc với chất thải bị nhiễm trực khuẩn như các thực phẩm thương mại đã bị nhiễm khuẩn than.

+ Xử lý môi trường: Sát khuẩn tẩy uế đồng thời tiệt khuẩn những chất tiết thải ra từ bệnh nhân và các đồ vật bị nhiễm. Hypoclorit canxi là thuốc diệt bào tử tốt nếu như đồ vật không chứa chất hữu cơ và không bị ăn mòn; peroxide hydro, axit peraxetic, glutarandehyt, formandehyt, oxit ethylen và tia xạ cobalt được thay nhau để khử khuẩn. Tiệt khuẩn bằng hơi và dùng biện pháp đốt để triệt bào tử. Biện pháp khử khuẩn bằng xông khói và hóa chất có thể sử dụng đối với trang thiết bị quý có giá trị. Phải tiệt khuẩn khi khỏi bệnh. Súc vật bị bệnh phải được chôn ở nơi thích hợp và khử khuẩn trước khi chôn.

7.3. Nguyên tắc điều trị:

- Với mầm bệnh than thông thường (chủng hoang dã) là thể da dễ điều trị nhất; thể hô hấp diễn biến rất nhanh và nặng thường dẫn tới suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc, viêm màng não cần được cấp cứu điều trị tích cực từ đầu; thể dạ dày - ruột khó điều trị hơn thể da, tuy không nặng bằng thể hô hấp, nhưng cũng có thể dẫn đến mất nước điện giải, mất máu, nhiễm khuẩn huyết, thủng ruột.

- Sử dụng kháng sinh đặc biệt là penicilline để điều trị bệnh than.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Tuân thủ các quy định hiện hành.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác