Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm
Ngày đăng: 16:20:14 31/10/2014
Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

BỆNH VIÊM DA MỤN MỦ TRUYỀN NHIỄM

(Dermatitis contaminationis)

ICD-10 L08: Impetigo

Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Là một bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có tài liệu nào trong nước cũng như quốc tế nói chốc gây ra những vụ dịch.

  1. Đặc điểm của bệnh.

1.1. Định nghĩa ca bệnh

- Ca bệnh lâm sàng

Thương tổn ban đầu là những mụn nước, bọng nước. Kích thước bọng nước bằng hạt đỗ xanh, có khi to bằng hạt lạc. Lúc đầu, bọng nước trong, sau 12-24 giờ bọng nước trở nên đục (có mủ), sau đó 3 - 4 ngày bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết vàng sau đó vảy tiết bong đi không để lại sẹo.

Vị trí thương tổn: Da đầu (lý do chốc có tên gọi là chốc đầu); xung quanh hốc tự nhiên, tứ chi hoặc rải rác khắp người.

Tại nơi bị bệnh chốc, bệnh nhân có cảm giác ngứa, hiếm khi thấy đau rát. Có thể có dấu hiệu toàn thân như sốt, mệt mỏi, sưng hạch phụ cận, albumin niệu.

Bệnh chốc có nhiều thể lâm sàng khác nhau. Thể hay gặp nhất là chốc bọng nước. Ngoài ra còn có các thể chốc hạt kê; chốc không có bọng nước mà chỉ có vảy tiết; chốc loét; chốc lây lan truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh.

- Ca bệnh được xác định: tìm thấy tụ cầu, liên cầu trong bệnh phẩm lấy từ nơi tổn thương.

1.2. Chẩn đoán phân biệt

- Thủy đậu.

- Nhiễm Herpes simplex virus

- Bệnh chân tay miệng.

- Viêm nang lông, ghẻ bội nhiễm.

1.3. Xét nghiệm

- Mẫu bệnh phẩm: Dịch, mủ ở bọng nước, bọng mủ hoặc vảy mụn nhọn.

- Phương pháp xét nghiệm.

+ Làm tiêu bản nhuộm gram soi kính hiển vi tìm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu.

+ Phân lập vi khuẩn: Cấy bệnh phẩm lên môi trường chuyên dùng cho tụ cầu và liên cầu khuẩn, xác định vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc liên cầu tan máu.

  1. Tác nhân gây bệnh

- Tên tác nhân: tác nhân gây bệnh chốc là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) hoặc liên cầu khuẩn tan máu nhóm A (group A õ hemolytic streptococcus)

- Hình thái:

+ Tụ cầu vàng là một vi khuẩn gram dương, có hình cầu kích thước 1 mm, tụ thành đám như chùm nho, không di động, không sinh nha bào. Khuẩn lạc của tụ cầu vàng tạo ra sắc tố màu vàng.

+ Liên cầu khuẩn tan máu nhóm A là một vi khuẩn gram dương, hình cầu, kích thước 1 mm, xếp thành hàng dài 3,4,5,... tế bào cạnh nhau, không di động, không sinh nha bào. Khuẩn lạc của liên cầu khuẩn tan máu tạo ra vòng tan máu kiểu bêta xung quanh khuẩn lạc.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:

+ Tụ cầu có sức đề kháng cao hơn liên cầu. Nhưng cả 2 vi khuẩn này bị chết ở 700C sau 15 phút. Trong vảy của mụn nhọt bong vào không khí, trên da vi khuẩn tồn tại được 2-3 ngày.

+ Các thuốc sát khuẩn thường dùng tiêu diệt được vi khuẩn.

  1. Đặc điểm dịch tễ học

- Bệnh chốc có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến nhất vào mùa hè. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ < 10 tuổi.

- Các thông tin y học thế giới cho rằng bệnh chốc xuất hiện ở khắp nơi, mọi vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng những địa phương có trình độ dân trí thấp, điều kiện vệ sinh kém thì tỷ lệ bệnh chốc cao. Ở Việt Nam, chưa có tài liệu nói tỷ lệ lưu hành bệnh chốc.

  1. Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: ổ chứa Staphylococcus, Streptococcus là các thương tổn da, da người bình thường.

- Thời gian ủ bệnh trung bình 10 ngày, có khi 14 - 20 ngày.

- Thời kỳ lây bệnh: Lây lan mạnh nhất là vào thời kỳ toàn phát.

  1. Phương thức lây truyền: Lây truyền trực tiếp từ người sang người.
  2. Tính cảm nhiễm và miễn dịch

- Mọi người đều cảm nhiễm với tụ cầu và liên cầu nhưng ở những người suy giảm miễn dịch thì cảm nhiễm với 2 loại vi khuẩn này cao hơn.

- Không có miễn dịch lâu dài.

  1. Các biện pháp phòng chống dịch

7.1. Biện pháp dự phòng: Vệ sinh da, nhất là mùa hè.

7.2. Biện pháp chống dịch

- Tổ chức: Không cần phải tổ chức các đội chống dịch.

- Chuyên môn:

+ Cách ly người bệnh, nhất là ở các nhà hộ sinh, nhà trẻ, mẫu giáo.

+ Không phải quản lý người lành mang vi trùng và người tiếp xúc với những người có nguy cơ cao.

+ Không phải xử lý môi trường.

7.3. Nguyên tắc điều trị

- Tại chỗ: các mụn mủ, bọng mủ, bọng mủ giập vỡ, các vết trợt bôi Milian, xanh metylen. Không bôi thuốc đỏ vì dễ nhiễm độc thủy ngân. Vết thương đã đóng vảy nên bôi mỡ kháng sinh.

Bệnh nhân nên tắm, ngâm dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10.000.

- Toàn thân: Kháng sinh toàn thân trong 5 ngày. Cần đề phòng biến chứng viêm cầu thận.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có quy định kiểm dịch y tế biên giới.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác