Bệnh do Tờ ri cô mô nát
Ngày đăng: 16:03:42 31/10/2014
Bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomoniasis) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

BỆNH DO TỜ-RI-CÔ-MÔ-NÁT

(Trichomoniasis)

ICD-10 A59: Trichomoniasis

Bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomoniasis) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

  1. Đặc điểm của bệnh

1.1. Định nghĩa ca bệnh:

- Ca bệnh lâm sàng: Bệnh trùng roi đường sinh dục nữ hay viêm âm đạo do trùng roi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis) gây nên, thường gặp ở phụ nữ. Bệnh lây qua quan hệ tình dục là chủ yếu, ngoài ra bệnh còn có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt.

- Đặc điểm lâm sàng trùng roi âm đạo

+ Khí hư: số lượng nhiều, loãng có bọt, màu vàng xanh, mùi hôi. Đặc điểm của khí hư trùng roi có tính chất riêng biệt nên có thể phân biệt với khí hư do nấm và các tác nhân khác.

+ Có thể kèm theo ngứa, đi tiểu khó và đau khi giao hợp.

+ Khám: Viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung viêm đỏ, phù nề và có thể thấy cổ tử cung sùi như quả dâu tây, có nhiều khí hư màu vàng xanh loãng và có bọt ở cùng đồ.

Bệnh trùng roi đường sinh dục nam đại đa số không có triệu chứng, tuy nhiên một số người bị ngứa dương vật, đi tiểu khó và đi tiểu nhiều lần. Dương vật có thể bị viêm do ngứa gãi, có thể có tiết dịch niệu đạo và rất khó phân biệt với viêm niệu đạo do các tác nhân khác gây viêm niệu đạo không đặc hiệu.

- Ca bệnh xác định: Viêm âm đạo do trùng roi được xác định khi soi tươi hoặc nhuộm Gram thấy có trùng roi. Hiện nay, có thể phát hiện trùng roi bằng kỹ thuật nuôi cấy và PCR với độ nhạy và đặc hiệu cao.

1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: viêm âm đạo do nấm candida (candidiasis) và do vi khuẩn (bacterial vaginosis).

1.3. Xét nghiệm:

- Loại mẫu bệnh phẩm: Dùng tăm bông lấy khí hư ở cùng đồ. Ở nam giới, vuốt dọc niệu đạo dịch.

- Phương pháp xét nghiệm:

+ Soi tươi dưới kính hiển vi tìm thể hoạt động của Trichomonas vaginalis.

+ Làm tiêu bản nhuộm hematoxylin, hoặc nhuộm Giemsa, Gram tìm T.vaginalis

+ Nuôi cấy trên môi trường Pavola hoặc môi trường T.V. Phương pháp nuôi cấy làm tăng sinh T.vaginalis khắc phục trường hợp có ít T.vaginalis khó phát hiện bằng phương pháp soi kính.

  1. Tác nhân gây bệnh

- Tên tác nhân : Trichomonas vaginalis

- Hình thái: Trùng roi có hình quả mơ, kích thước từ 10-20 mm, rộng 7 mm với 5 đôi roi, di động.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trùng roi dễ bị diệt bởi nhiệt độ, môi trường khô, ra khỏi cơ thể không sống được.

  1. Đặc điểm dịch tễ học: Bệnh trùng roi âm đạo lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền không qua đường tình dục như qua đồ dùng quần áo, khăn tắm ẩm ướt, bồn tắm, trong môi trường nước nhiễm trùng roi. Bệnh hay gặp ở người trẻ tuổi, trong độ tuổi hoạt động tình dục.
  2. Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất của bệnh trùng roi âm đạo. Trùng roi khư trú trong âm đạo của người bệnh và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Nam giới, trùng roi khư trú ở niệu đạo, hố thuyền.

- Thời gian ủ bệnh: Thông thường bệnh trùng roi âm đạo có thời gian ủ bệnh 1 - 4 tuần.

- Thời kỳ lây truyền: Bệnh trùng roi âm đạo có thể lây khi người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh khi chưa có triệu chứng và rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trùng roi âm đạo nhưng không có triệu chứng bệnh (khoảng 25%), đó chính là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.

  1. Phương thức lây truyền: Bệnh trùng roi âm đạo lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục đường âm đạo. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền không qua đường tình dục như qua đồ dùng, quần áo, khăn tắm ẩm ướt, bồn tắm, trong môi trường nước nhiễm trùng roi.
  2. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Bệnh trùng roi âm đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nữ trong tuổi hoạt động tình dục, nam ít gặp. Bệnh trùng roi âm đạo không có miễn dịch, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh trùng roi âm đạo.
  3. Các biện pháp kiểm soát bệnh

7.1. Biện pháp dự phòng:

- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ về tình dục lành mạnh, tình dục an toàn để phòng nhiễm bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác trong đó có HIV/AIDS.

- Vệ sinh phòng bệnh: Bao cao su dùng đúng cách có hiệu quả phòng nhiễm trùng roi.

7.2. Biện pháp chống dịch:

- Tổ chức: bệnh trùng roi âm đạo không gây thành dịch, do vậy chủ yếu thực hiện các biện pháp chuyên môn để phòng chống bệnh.

- Chuyên môn:

+ Bệnh nhân mắc bệnh trùng roi âm đạo khi đến các cơ sở y tế được khám, điều trị tư vấn và giữ bí mật.

+ Bệnh nhân trùng roi âm đạo cũng như các bệnh nhân mắc bệnh lây truyền khác không có chế độ cách ly.

+ Phòng chống bệnh: tăng cường khám phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh qua lồng ghép vào chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, màng lưới y tế đa khoa các cấp, hợp tác với y tế tư nhân. Các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ hành nghề mại dâm, khách làng chơi cần được giáo dục sức khoẻ, khám điều trị.

7.3. Nguyên tắc điều trị: Điều trị theo hướng dẫn quốc gia phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân. Đối với các cơ sở y tế không chuyên khoa và tuyến y tế cơ sở, quận/huyện không có xét nghiệm hỗ trợ thì điều trị theo tiếp cận hội chứng; đối với cơ sở chuyên khoa, các cơ sở y tế có xét nghiệm hỗ trợ thì điều trị theo căn nguyên.

Phác đồ điều trị bệnh trùng roi âm đạo :

- Metronidazole 500mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày, hoặc

- Metronidazole 2g uống liều duy nhất.

Chú ý: Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu. Trong khi uống thuốc, không được uống rượu, không quan hệ tình dục.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có chế độ kiểm dịch y tế biên giới đối với bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác