Bệnh sán lá ruột
Ngày đăng: 14:37:46 24/10/2014
Bệnh sán lá ruột thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

BỆNH SÁN LÁ RUỘT

(Fasciolopsiasis)

ICD-10 B66.5: Fasciolopsiasis

Bệnh sán lá ruột thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

  1. Đặc điểm của bệnh:

1.1. Định nghĩa ca bệnh:

- Ca bệnh lâm sàng: triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và có thể phù nề (bụng chướng hoặc phù toàn thân).

- Ca bệnh xác định: xét nghiệm phân tìm thấy trứng sán lá ruột.

1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: các bệnh giun đũa, giun móc/mỏ, hội chứng dạ dày...

1.3. Xét nghiệm:

- Loại mẫu bệnh phẩm: phân

- Phương pháp xét nghiệm: xét nghiệm phân theo phương pháp trực tiếp hoặc Kato.

  1. Tác nhân gây bệnh:

- Tên tác nhân: Fasciolopsis buski

- Hình thái: sán lá ruột dài từ 30-70 mm, chiều ngang từ 14-15 mm; hấp khẩu miệng phía trước đầu, có đường kính 510 mm, hấp khẩu bụng có đường kính từ 1,5-2 mm. Trứng của sán lá ruột là một loại trứng lớn trong các trứng giun sán, có chiều dài 125-140 mm, chiều ngang 75-90 mm, có màu sẫm.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: giống sán lá phổi.

  1. Đặc điểm dịch tễ học:

- Bệnh sán lá ruột tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Á và châu Á (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ...).

- Ở Việt Nam, bệnh sán lá ruột chủ yếu phát hiện ở lợn, tỷ lệ nhiễm ở người rất thấp; những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

  1. Nguồn truyền nhiễm:

- Ổ chứa: người và lợn là vật chủ chính của sán lá ruột, trong đó chủ yếu là lợn.

- Thời gian ủ bệnh: thời gian từ khi xâm nhập vào cơ thể đến khi thành sán trưởng thành có khả năng gây bệnh mất khoảng 90 ngày.

- Thời kỳ lây truyền: sau khoảng 3 tháng, sán lá ruột trưởng thành ký sinh trong ruột và đẻ trứng, trứng sẽ được bài xuất ra ngoài theo phân, nếu được rơi xuống nước sẽ phát triển thành ấu trùng lông và vào ốc thành bào ấu, khoảng 5 tuần sau thành ấu trùng đuôi bám vào các rau thủy sinh và có khả năng lây truyền bệnh.

  1. Phương thức lây truyền: Người hoặc lợn ăn phải rau thủy sinh có ấu trùng sán lá ruột chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ mất vỏ nang ở tá tràng vật chủ và sau đó bám vào ruột non để ký sinh và trưởng thành.
  2. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Khi nhiễm sán lá ruột, ngoài những tổn thương tại ruột là nơi ký sinh của sán, những độc tố tiết ra từ sán sẽ gây rối loạn chung có thể làm phù nề toàn thân, tràn dịch ngoại tâm mạc, biến đổi tổ chức ở lách. Bệnh nhân thường bị thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, huyết cầu tố giảm, bạch cầu toan tính tăng lên. Cũng như nhiễm sán lá gan lớn, khi nhiễm sán sau 2 tuần, cơ thể xuất hiện kháng thể kháng sán lá ruột trong huyết thanh của người bệnh.
  3. Các biện pháp phòng chống dịch:

7.1. Biện pháp chống dịch:

- Tổ chức: nếu có dịch xảy ra phải thành lập ngay Ban chỉ đạo các cấp, khoanh vùng dập dịch.

- Chuyên môn: thu dung bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị mầm bệnh, kiểm soát vật nuôi ở vùng có dịch; tuyên truyền người dân không ăn sống các loại rau thủy sinh. Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá ruột tại vùng lưu hành bệnh.

7.2. Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.

- Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng bệnh nhân.

- Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thậm, bệnh tâm thần..., cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.

- Thuốc điều trị: thuốc lựa chọn là Praziquantel viên nén 600 mg liều 25 mg/kg/ngày ´ 3 ngày hoặc uống một liều duy nhất 40 mg/kg sau khi ăn no.

7.3. Kiểm dịch y tế biên giới: Kiểm tra vật nuôi (chủ yếu là lợn) nhập khẩu.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác