BỆNH SỐT PHÁT BAN
(Typhus exanthematicus)
ICD-10 A75: Typhus fever (A75.0; A75.1; A75.2; A75.3; A75.9)
Bệnh sốt phát ban thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Sốt phát ban bao gồm 3 bệnh chính: (1) bệnh sốt phát ban do chấy, rận (Typhus louse-borne) hoặc còn gọi là sốt phát ban cổ điển (Typhus classic); (2) bệnh sốt phát ban do chuột (typhus murine) hay còn gọi là sốt phát ban địa phương do bọ chét chuột (Typhus endemic flea-borne) và (3) bệnh sốt phát ban do mò mạt (Typhus mite-borne) hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm (Typhus scrub).
- BỆNH SỐT PHÁT BAN DO CHẤY RẬN.
- Đặc điểm của bệnh.
1.1. Định nghĩa ca bệnh. Bệnh sốt phát ban do chấy rận xuất hiện đột ngột với sốt cao, đau đầu, rét run, đau mình mẩy và mệt lử. Ban xuất hiện vào ngày thứ 5 - 6 ở nửa người trên, sau đó lan toàn thân nhưng không xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân. Thể hiện rõ tình trạng nhiễm độc và bệnh kết thúc bằng hạ nhiệt nhanh sau 2 tuần sốt. Tỷ lệ tử vong tăng theo tuổi từ 10 - 40%. Có thể mắc bệnh nhẹ không kèm theo phát ban, nhất là ở trẻ em và người đã được miễn dịch một phần trước đó.
- Ca bệnh lâm sàng:
Sốt 39 - 400C, đau đầu, đau mình mẩy, rét run, mệt lả, biểu hiện nhiễm độc.
Phát ban bắt đầu ở nửa người trên sau lan toàn thân trừ ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân.
Trong công thức máu thường giảm bạch cầu.
- Ca bệnh xác định: Xét nghiệm huyết thanh (+) với một trong các xét nghiệm: kháng thể miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA), miễn dịch men (EIA), phản ứng chuỗi polymerase (PCR), cố định bổ thể (CF) với kháng nguyên Rickettsia prowazekii. Thông thường, các xét nghiệm kháng thể sẽ (+) vào tuần lễ thứ 2 của bệnh.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Cần lưu ý để phân biệt với những trường hợp phát ban sau đây:
- Phát ban do vi rút như sởi, ru-bê-on, vi rút đường ruột (Coxsackie, ECHO).
- Phát ban do vi khuẩn như bệnh sốt phát ban do các Rickettsia khác, não cầu khuẩn, leptospira.
- Các trường hợp phát ban do dị ứng hoặc nhiễm độc.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: Huyết thanh bệnh nhân, máu, hạch lympho.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Chẩn đoán huyết thanh bằng IFA, EIA, PCR, CF để phát hiện kháng thể kháng Rickettsia prowazekii trong máu bệnh nhân.
+ Phân lập Rickettsia trên bào thai gà, trên tổ chức nuôi cấy.
- Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân : Rickettsia prowazekii
- Hình thái: Rickettsia prowazekii có dạng trực khuẩn hoặc cầu trực khuẩn với kích thước thông thường từ 300 – 500 nm, không di động và thường biến dạng.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Sức đề kháng của Rickettsia yếu. Rickettsia trong sữa có thể duy trì được khả năng gây bệnh ở 500C khoảng 15 phút. Trong phân rận, Rickettsia prowazekii sống được 5 tuần ở nhiệt độ phòng và 3 tháng dưới 100C.
- Đặc điểm dịch tễ học: Bệnh sốt phát ban do chấy rận lưu hành ở những vùng khí hậu lạnh với điều kiện sống thấp , kém vệ sinh và chấy rận phát triển. Những vụ dịch lớn đã xảy ra trong chiến tranh và nạn đói. Hiện nay vẫn tồn tại các ổ dịch lưu hành địa phương ở vùng núi Mehico, trung và nam Mỹ, trung và tây Phi và một số nước châu Á. Bệnh cũng xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, nhất là trong nạn đói năm 1945. Bệnh sốt phát ban do chấy rận xuất hiện lần cuối cùng ở Hoa Kỳ vào năm 1921. Những vụ dịch vẫn xảy ra ở Burundi và Rwanda. Hiện nay bệnh tồn tại như một bệnh động vật của loài sóc bay (Glaucomys volans) ở Hoa Kỳ và đã có bằng chứng huyết thanh học về những người đã bị nhiễm Rickettsia prowazekii từ ổ nhiễm trùng này qua bọ chét của chúng.
- Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: Người là ổ chứa vi khuẩn và giữ vai trò duy trì nguồn nhiễm khuẩn giữa các vụ dịch. Mặc dù loài sóc bay không phải là nguồn truyền nhiễm chính gây bệnh cho người, nhưng đã có những trường hợp mắc bệnh tản phát liên quan đến ổ nhiễm trùng này.
- Thời gian ủ bệnh từ 1 – 2 tuần, thông thường khoảng 12 ngày.
- Thời kỳ lây truyền. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Bệnh nhân ở thời kỳ sốt và khoảng 2 - 3 ngày sau khi hết sốt là nguồn lây vi khuẩn cho chấy rận. Chấy rận bị nhiễm sẽ đào thải Rickettsia qua phân khoảng 2 - 6 ngày sau khi hút máu bệnh nhân. Nếu chấy rận bị dập nát trên da thì có thể lây truyền bệnh sớm hơn. Sau khi bị nhiễm khuẩn, chấy rận thường chết sau đó 2 tuần, nhưng Rickettsia vẫn còn sống nhiều tuần trong xác chấy rận.
- Phương thức lây truyền. Sau khi hút máu bệnh nhân sốt cấp tính, loài rận Pediculus humanus bị nhiễm Rickettsia prowazekii. Các bệnh nhân mắc bệnh Brill-Zinsser lây rickettsia cho chấy rận và trở thành những ổ dịch mới trong cộng đồng dân cư có chấy rận. Chấy rận đào thải Rickettsia trong phân khi hút máu. Người bị chấy rận đốt, ngứa và gãi làm dập nát xác chấy rận trong phân có Rickettsia dính vào vết đốt hoặc các vết da bị xước do gãi. Có thể mắc bệnh do hít phải bụi có phân của chấy rận bị nhiễm Rickettsia. Có thể lây bệnh Rickettsia từ ổ chứa sóc bay do bọ chét của sóc đốt.
- Tính cảm nhiễm và miễn dịch. Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có cảm nhiễm với rickettsia prowazekii và sau khi mắc bệnh thường được miễn dịch trong thời gian dài.
- Các biện pháp phòng chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng.
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cần cung cấp cho nhân dân biết những thông tin về bệnh sốt phát ban do chấy rận để nhân dân phát hiện bệnh và phòng chống dịch.
- Vệ sinh phòng bệnh.
+ Nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng tự nhiên.
+ Cải thiện điều kiện sống, có đủ nước dùng, thường xuyên tắm rửa, giữ gìn sạch sẽ thân thể, quần áo, chăn màn.
+ Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, cần thường xuyên kiểm tra vệ sinh cá nhân, quần áo, giường chiếu và giám sát chấy rận trên người và đồ vải. Nếu có chấy rận và trứng của nó thì phải diệt bằng luộc sôi hoặc bằng hoá chất diệt thích hợp có hiệu lực.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức:
+ Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Chữ thập đỏ v.v...
+ Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.
+ Đối với vụ dịch nhỏ cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.
- Chuyên môn:
+ Không yêu cầu cách ly sau khi đã hoàn thành tốt diệt chấy rận ở bệnh nhân, quần áo, khu vực cư trú và những người tiếp xúc với bệnh nhân. Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị trong bệnh viện để chống biến chứng và tử vong.
+ Bệnh này không có người lành mang Rickettsia. Cần điều tra đường lây nhiễm để phát hiện nguồn lây.
+ Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Những người cảm nhiễm với bệnh sốt phát ban do chấy rận nếu có tiếp xúc với chấy rận hoặc bị phơi nhiễm với nguồn lây phải được kiểm dịch 15 ngày kể từ sau khi dùng hoá chất diệt côn trùng có tác dụng tồn lưu.
+ Phải sát khuẩn tẩy uế đồng thời nơi cư trú của bệnh nhân. Rắc bột hoá chất diệt côn trùng thích hợp vào quần áo, giường đệm của bệnh nhân, người tiếp xúc hoặc luộc quần áo, chăn, đồ vải. Cần theo dõi và tiêu diệt chấy rận rời khỏi cơ thể bệnh nhân sốt cao hoặc khi thân nhiệt lạnh để đến cư trú trên cơ thể bình thường. Diệt chấy rận trên tử thi và quần áo tử thi bằng hoá chất diệt côn trùng.
7.3. Nguyên tắc điều trị.
- Điều trị đặc hiệu. Người lớn dùng tetracyclin hoặc chloramphenicol: Ngày đầu 2- 3 gam, những ngày sau từ 1- 2 gam/ngày chia làm 4 lần cho đến khi hết sốt. Trẻ em với liều 12,5 mg/kg/lần dùng 4 lần trong 24 giờ. Hoặc có thể dùng một liều đơn doxycyclin 200 mg cho người lớn. Khi phát hiện bệnh nhân nặng nghi mắc bệnh Rickettsia prowazekii thì phải điều trị đặc hiệu ngay không cần chờ kết quả xét nghiệm labô.
- Dùng thuốc trợ tim, trợ hô hấp (thở oxy) nếu cần thiết.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới.
- Chính phủ các nước phải thông báo bắt buộc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước lân cận những trường hợp mắc bệnh hoặc dịch sốt phát ban do chấy rận đã xảy ra ở nơi mà trước đây không có bệnh dịch này.
- Đi du lịch quốc tế: Hiện nay không có nước nào yêu cầu gây miễn dịch đối với bệnh sốt phát ban do chấy rận để nhập cảnh.
- Bệnh sốt phát ban do chấy rận là một bệnh dưới sự giám sát của WHO.
- BỆNH SỐT PHÁT BAN DO BỌ CHÉT CHUỘT
- Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
Bệnh sốt phát ban do chuột khởi phát đột ngột với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, buồn nôn và nôn, thường kéo dài khoảng 12 ngày nếu không được điều trị. Khoảng 4 ngày xuất hiện triệu chứng thì nổi ban, nhưng cũng chỉ có khoảng 13% bệnh nhân phát ban. Lúc đầu, ban xuất hiện nửa người, khoảng 2 ngày sau thì ban lan ra toàn thân và hiếm thấy ban ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân.
Nhìn chung, diễn biến lâm sàng của bệnh tương tự như bệnh sốt phát ban do chấy rận, nhưng nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong khoảng dưới 1%. Bệnh do bọ chét chuột truyền và xuất hiện tản phát bất kỳ lúc nào và nơi nào có bệnh lưu hành địa phương.
- Ca bệnh lâm sàng:
+ Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn và mệt mỏi.
+ Phát ban. Ban xuất hiện nửa người, sau khoảng 2 ngày thì lan ra toàn thân và hiếm thấy ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân.
+ Trong công thức máu thường bị thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Ca bệnh xác định: Có xét nghiệm huyết thanh (+) bằng các kỹ thuật: IFA, EIA, PCR, CF đặc hiệu với kháng nguyên Rickettsia mooseri.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự:
- Phát ban do vi rút như sởi, ru-bê-on, vi rút đường ruột (Coxsackie, ECHO).
- Các trường hợp phát ban do dị ứng hoặc nhiễm độc.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: Huyết thanh bệnh nhân, máu, hạch lympho.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Chẩn đoán huyết thanh bằng IFA, EIA, PCR, CF để phát hiện kháng thể kháng Rickettsia mooseri trong máu bệnh nhân.
+ Phân lập Rickettsia trên bào thai gà, trên tổ chức nuôi cấy.
- Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân. Rickettsia mooseri (Rickettsia typhi), Rickettsia felis.
- Hình thái. Rickettsia có dạng trực khuẩn hoặc cầu trực khuẩn với kích thước thông thường từ 300 – 500 nm, không di động
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài. Sức đề kháng của Rickettsia typhi rất yếu dễ chết bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng.
- Đặc điểm dịch tễ học: Bệnh lưu hành trên toàn thế giới. Bệnh thường gặp ở những nơi có chuột phát triển mạnh và con người phải sống chung với nhiều chuột trong nhà. Mỗi năm khoảng 80 trường hợp được thông báo ở Hoa Kỳ. Bệnh xuất hiện nhiều vào cuối mùa hè và mùa thu. ở Việt Nam có nhiều chuột Rattus rattus, Rattus norvegicus và bọ chét chuột Xenopsylla cheopis là ổ chứa và vectơ của bệnh sốt phát ban chuột do đó có thể có bệnh lưu hành nhưng chưa có kết quả điều tra.
- Nguồn truyền nhiễm.
- Ổ chứa: ổ chứa của tác nhân gây bệnh sốt phát ban chuột là các loài chuột, (thường gặp là Rattus rattus, Rattus norvegicus) và động vật có vú nhỏ. Bọ chét chuột (thường là Xenopxylla cheopis) vừa là vectơ truyền bệnh vừa là ổ chứa của tác nhân gây bệnh.
- Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần, thường là 12 ngày.
- Thời kỳ lây truyền. Bệnh không truyền trực tiếp từ người sang người mà phải qua vết đốt bọ chét. Sau khi hút máu chuột, bọ chét bị nhiễm Rickettsia và truyền bệnh suốt đời.
- Phương thức lây truyền. Bọ chét bị nhiễm Rickettsia sẽ đào thải Rickettsia theo phân trong lúc hút máu người. Như vậy sẽ làm nhiễm tác nhân gây bệnh vào vết đốt và các vết xước mới khác trên da. Có thể bị lây bệnh do hít phải bụi phân bọ chét nhiễm Rickettssia.
- Tính cảm nhiễm và miễn dịch. Mọi người đều có cảm nhiễm với bệnh sốt phát ban do chuột. Sau khi mắc bệnh sẽ được miễn dịch.
- Các biện pháp phòng chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cần cung cấp cho nhân dân những thông tin về bệnh sốt phát ban do chuột để nhân dân biết phát hiện bệnh và phòng bệnh.
- Vệ sinh phòng bệnh.
+ Nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng tự nhiên và phòng chống chuột.
+ Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương cần giám sát thường xuyên mật độ chuột và bọ chét ngoại ký sinh trên chuột. Nếu mật độ chuột > 7 và bọ chét > 1 cần phải tiến hành diệt chuột và bọ chét để phòng bệnh. Phải diệt bọ chét trước khi diệt chuột.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức:
+ Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Chữ thập đỏ v.v...
+ Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.
+ Đối với vụ dịch nhỏ cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.
- Chuyên môn:
+ Cách ly, điều trị bệnh nhân: Bệnh nhân không phải cách ly, nhưng cần nhập viện để theo dõi, điều trị.
+ Không có người lành mang Rickettsia và không phải quản lý, theo dõi người tiếp xúc với bệnh nhân.
+ Cần điều tra các loài gậm nhấm và côn trùng ngoại ký sinh của chúng tại nơi cư trú của bệnh nhân.
+ Xử lý môi trường: Không cần sát khuẩn, tẩy uế các chất thải của bệnh nhân. Rắc bột diazinon có tác dụng tồn lưu để diệt bọ chét vào các hang ổ, các nơi ẩn nấp của chuột và trên đường chuột chạy. Dùng mọi biện pháp phòng trừ chuột, kể cả diệt chuột bằng hoá chất thích hợp.
7.3. Nguyên tắc điều trị. Giống như điều trị bệnh sốt phát ban do chấy rận.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có quy định
Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm