BỆNH NÔ-CA-ĐI-A
(Nocardiosis)
ICD-10 A43: Nocardiosis
Bệnh Nô-ca-di-a (Nocardia) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh Nocardia tuy là một bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có tài liệu nào (trong nước và quốc tế) nói Nocardia gây ra những vụ dịch. Nhưng tại các địa phương, nếu xuất hiện Bệnh Nocardia cũng nên báo cáo cho các nhà quản lý biết bệnh xuất hiện ở đâu để có biện pháp phòng chống hữu hiệu.
- Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh
- Ca bệnh lâm sàng: Nocardia có thể gây bệnh ở da, phổi, tim, não.
Thương tổn da là các cục, áp xe, lỗ rò không đau. Các thương tổn có thể khu trú bất kỳ nơi nào trên cơ thể nhưng thường ở chi dưới, đôi khi chạy dọc theo đường bạch huyết.
Nhiễm Nocardia ở phổi bệnh nhân đau ngực, khó thở, kèm theo dấu hiệu toàn thân như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, sút cân.
- Ca bệnh được xác định bằng xét nghiệm tìm thấy Nocardia.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự.
- Lao phổi.
- Lao da.
- Actinomycosis.
- Eumycotic mycetoma.
1.3. Xét nghiệm.
- Loại mẫu bệnh phẩm: Mủ dịch của thương tổn, mảnh sinh thiết.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Nhuộm Gram, Ziehl - Neelson.
+ Nuôi cấy trên môi trường Sabouraud ở nhiệt độ 370C.
- Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân: Tác nhân gây bệnh là Nocardia. Có 4 loài Nocardia khác nhau: Nocardia Asteroid; Nocardia Brasiliensis; Nocardia Farcinica; Nocardia Caviae.
- Hình thái: Là loại vi khuẩn Gram dương kháng toan. Kích thước 0,5 mm.
- Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài: Nocardia sống trong đất, nhất là đất đồi núi.
- Đặc điểm dịch tễ học
- Bệnh có thể gặp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Người hay mắc bệnh là nông dân (nhất là người trồng rau), nghề rừng thuộc chí tuyến bắc (Autour du tropique du cancer) như ấn Độ; Soudan; Somali; Senegal; Venezuela; Mêhicô; ít gặp hơn ở Châu Âu; Hoa Kỳ, Indonesia; Nhật Bản, Australia.
- Ở Việt Nam chưa có tài liệu nào nói về dịch tễ học của Nocardia. Theo các tài liệu của Pháp để lại, Lâm Đồng có thể là nơi có Nocardia.
- Chưa có tài liệu nào trên thế giới nói Nocardia gây dịch cũng như phân bố thời gian hay nhiễm Nocardia ở người.
- Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: Trong tự nhiên, Nocardia sống ở đất và cây, cỏ mục, nhất là gỗ mục. Chúng gây bệnh cho người và động vật như chó, trâu, bò, ngựa, dê, cừu. Chưa có tài liệu nào nói Nocardia gây bệnh ở lợn.
- Thời kỳ ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh từ vài tháng đến vài năm.
- Thời kỳ lây truyền: Bệnh không xác định được thời kỳ lây truyền do Nocardia không trực tiếp lây truyền từ người sang người.
- Phương thức lây truyền
- Lây truyền trực tiếp từ đất qua vết xây xước trên da. Phổ biến nhất là qua vết đâm xuyên của gai.
- Chưa có tài liệu nào nói Nocardia lây trực tiếp từ người sang người.
- Tính cảm nhiễm và miễn dịch
- Ai cũng có thể bị nhiễm Nocardia.
- Người nhiễm Nocardia có miễn dịch nhưng chưa thấy tài liệu nào nói Nocardia có miễn dịch bền vững ở người.
- Các biện pháp phòng chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng
- Tránh giẫm đạp lên gai, mảnh gỗ mục, không để phân trâu, bò, dê, cừu, ngựa dính vào các vết xước da.
7.2. Biện pháp chống dịch
- Không phải cách ly người bệnh.
- Chưa có vắc xin phòng bệnh cho người có nguy cơ cao.
- Không cần các biện pháp xử lý môi trường.
7.3. Nguyên tắc điều trị. Điều trị bằng một trong các thuốc sau:
- Trimethoprim - Sulfamethoxazol 480 mg x 2 lần/ngày trong 2 - 3 tháng, hoặc
- Diamino difenyl sulfone liều hàng ngày từ 100 - 200 mg trong 2 - 3 tháng hoặc
- Có thể dùng các kháng sinh như Ampicillin; Erythromycin; Minocyclin; Amikacin.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có quy định kiểm dịch y tế biên giới.
Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm