BỆNH DO VI RÚT XI-TÔ-MÊ-GA-LÔ
(Maladus Cytomegaloviruso)
ICD-10 B25: Cytomegaloviral disease
Bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalovirus infections) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh do vi rút Cytomegalo là bệnh nhiễm trùng hàng đầu gây ra điếc, chậm phát triển trí tuệ và mù bẩm sinh. Tuy là một bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có tài liệu nào (trong nước và quốc tế) nói vi rút Cytomegalo (CMV) gây ra những vụ dịch.
- Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh
- Ca bệnh lâm sàng:
+ Có 95% ca bệnh không có dấu hiệu lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng gồm sốt, mệt mỏi, yếu cơ, sưng hạch ngoại vi, hạch nội tạng, gan lách to, kèm theo thương tổn trên da.
+ Có từ 80 - 100% các ca bệnh có các biểu hiện trên da như sẩn màu đỏ, chấm xuất huyết, nốt xuất huyết, mày đay, hồng ban cứng. Trẻ nhiễm Cytomegalovirus bẩm sinh thường có vàng da, thiếu máu, hạ tiểu cầu, gan lách to, sẩn ngứa, các cục dưới da, viêm màng mạch võng mạc (chorioretinitis). Thai nhi nếu nhiễm CMV sẽ chậm phát triển ở tử cung.
- Ca bệnh được xác định: Tìm thấy CMV hoặc kháng thể đặc hiệu với CMV trong bệnh phẩm.
1.2. Chẩn đoán phân biệt
- Nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân.
- Toxoplasmosis.
- Viêm gan vi rút.
- U lympho.
1.3. Xét nghiệm
- Loại mẫu bệnh phẩm:
+ Dịch ối, nước tiểu trẻ sơ sinh, dịch hầu họng , tổ chức sinh thiết,... để phân lập vi rút và thực hiện các xét nghiệm sinh học phân tử.
+ Máu: để tìm kháng thể đặc hiệu
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Phân lập CMV trên tế bào phôi người
+ Phát hiện ADN của CMV bằng các xét nghiệm sinh học phân tử như Dot Blot, PCR
+ Tìm kháng thể CMV trong huyết thanh bằng các xét nghiệm ELISA, ngưng kết hạt thụ động.
- Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân : Cytomegalovirus (CMV) thuộc họ vi rút Herpesviridae
- Hình thái : CMV có hình khối đa diện đường kính khoảng 200 nm giữa là genom với ADN, bao quanh là capsid bản chất là protein. Ngoài cùng có lớp vỏ bao ngoài.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài : Khi ra khỏi tế bào chủ ký sinh, ra ngoại cảnh vi rút dễ bị chết. Cytomegalovirus bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, bởi tia cực tím và bởi các chất sát khuẩn thông thường.
- Đặc điểm dịch tễ học
- Bệnh có thể gặp bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo một số tài liệu cho thấy, có khoảng 80 - 100% dân số Châu Phi; 60 - 70% dân số Hoa Kỳ và Tây Âu; 90-100% trẻ em và người lớn ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế thấp dương tính với huyết thanh chẩn đoán CMV. Ở Hoa Kỳ, 0,5-1,5% trẻ sơ sinh nhiễm CMV.
- Ở Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu nào nói về tỷ lệ nhiễm CMV.
- Ai cũng có thể nhiễm CMV.
- Chưa có tài liệu nào nghiên cứu về phân bố thời gian nhiễm CMV.
- Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: ổ chứa CMV là người nhiễm bệnh có triệu chứng và không có triệu chứng. Chưa có tài liệu nào nói CMV tồn tại trong tự nhiên.
- Thời gian ủ bệnh từ 4 - 8 tuần.
- Thời kỳ lây truyền: lây truyền trong thời kỳ toàn phát, thời kỳ lui bệnh.
- Phương thức lây truyền: Đường miệng và đường hô hấp là đường lây nhiễm CMV nổi bật nhất. Ngoài ra, CMV còn lây truyền từ người sang người qua nước bọt, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch tiết của tử cung âm đạo. Truyền máu, ghép phủ tạng của người nhiễm CMV, quan hệ tình dục với người nhiễm CMV cũng là đường lây truyền đặc biệt quan tâm.
- Tính cảm nhiễm và miễn dịch
- Mọi người đều cảm nhiễm với CMV.
- CMV không có miễn dịch.
- Các biện pháp phòng chống
7.1. Biện pháp dự phòng: Quan hệ tình dục với người nhiễm CMV phải dùng bao cao su.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Cách ly người bệnh.
- Đang nghiên cứu thử nghiệm vắc xin sống CMV cho người tình nguyện.
7.3. Nguyên tắc điều trị: Dùng các thuốc kháng vi rút
- Ganciclovir tiêm tĩnh mạch, hoặc
- Cidofovir tiêm tĩnh mạch, hoặc
- Foscanet tiêm tĩnh mạch, hoặc
- Valaciclovir uống, hoặc
- Acyclovir uống.
7.4. Kiểm dịch biên giới : Không có quy định kiểm dịch biên giới.
Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm