Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong hầu như là 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Toàn cảnh buổi tập huấn
Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.
Thực kế hoạch hoạt động của ‘Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại khu vực phía Nam năm 2015’, Viện Pasteur Tp.HCM đã tổ chức lớp tập huấn về bệnh dại và các hoạt động giám sát, phòng chống dịch tại các điểm nóng về bệnh dại. Tại Tp.HCM, Viện Pasteur Tp.HCM đã tổ chức 2 lớp kết quả như sau:
Mục tiêu: Tăng cường năng lực giám sát, phòng chống và quản lý bệnh Dại cho cán bộ chuyên trách tuyến quận/ huyện và cán bộ phòng tiêm chủng có tiêm vắc xin/ huyết thanh Dại tại các bệnh viện tại Tp. HCM.
Nội dung:
- Tình hình bệnh Dại thế giới, Việt Nam, khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm 2015;
- Quyết định 1622/QĐ – BYT về việc Hướng dẫn Giám sát và phòng chống bệnh dại trên người
- Giám sát bệnh Dại trên người; Bệnh Dại – các biện pháp dự phòng;
- Thống kê, báo cáo và các biểu mẫu ;
- Thảo luận.
Đã có 121 người tham dự tập huấn gồm:
- Cán bộ chuyên trách và cán bộ phòng tiêm ngừa của Trung tâm Y tế dự phòng Tp. HCM, Trung tâm Y tế dự phòng 24 quận/ huyện tại Tp. HCM.
- Cán bộ chuyên trách và cán bộ phòng tiêm ngừa của các bệnh viện/ phòng khám Tp. HCM.
Thời gian tổ chức: Lớp 1 (4-5/8/2015), lớp 2 (11-12/08/2015)
Các nội dung chính thống nhất sau thảo luận:
Về giám sát, phòng chống dịch
- Các đơn vị trong thành phố thực hiện các quy định giám sát, phòng chống bệnh Dại theo nội dung hướng dẫn của quyết định 1622/QĐ – BYT.
- Phối hợp với Thú y các cấp để triển khai các biện pháp phòng bệnh dại theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/05/2013“ Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người”.
- Các điểm tiêm cần lưu ý :
+ Phân độ vết thương ( độ 1, 2, 3) theo đúng định nghĩa trong Quyết định 1622/ QĐ – BYT để có chỉ định tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại phù hợp theo phác đồ.
+ Đối với các vết thương độ 3, ưu tiên việc sử dụng huyết thanh kháng Dại để thấm đẫm và phong bế vết thương là quan trọng nhất, sau đó phần huyết thanh còn lại tiêm bắp ở vị trí xa nơi tiêm vắc xin.
+ Việc tiêm nhắc chỉ thực hiện đối với các đối tượng nguy cơ khi nồng độ kháng thể < 0.5 IU, cần thử kháng thể 6 tháng 1 lần đối với các đối tượng này.
+ Thay đổi giữa các vắc xin phòng Dại cho một bệnh nhân trong các trường hợp bất khả kháng và chỉ thực hiện đối với các vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.
+ Không được thay đổi giữa các phác đồ tiêm bắp và tiêm trong da.
+ Khi vết thương do động vật hoang dại cắn, cào cần xử trí như bị phơi nhiễm với động vật nghi Dại.
Về lấy mẫu bệnh phẩm
- TTYTDP Tp. HCM, TTYTDP quận/ huyện phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phát hiện và lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi ngờ và tử vong do Dại, bảo quản theo quy định và cử người trực tiếp vận chuyển bệnh phẩm cho Viện Pasteur Tp.HCM.
- Loại bệnh phẩm: dịch não tuỷ, máu, nước bọt, mẫu sinh thiết da gáy.
- Gửi kèm “ Phiếu điều tra bệnh nhân nghi Dại/tử vong do Dại” (phụ lục 3) khi gửi bệnh phẩm cho phòng xét nghiệm Viện Pasteur Tp.HCM. Nội dung phiếu điều tra phải điền đầu đủ các thông tin.
- Thống báo cho” Dự án phòng chống bệnh dại KVPN” khi gửi bệnh phẩm.
Về thống kê báo cáo
- Tất cả các TTYTDP và các điểm tiêm vắc xin/ huyết thanh kháng dại trên địa bàn TP HCM thống nhất sử dụng các biểu mẫu ban hành trong quyết định 1622/ QĐ- BYT: Phụ lục 1, 2, 3, 4.
- Không thêm, bớt cột, không thay đổi thứ tự các cột trong biểu mẫu báo cáo.
- Các đơn vị gửi báo cáo theo quy định của Thông tư 48/TT – BYT , gửi báo cáo qua email và bằng văn bản.
- Phối hợp với Thú y giám sát và triển khai các biện pháp phòng bệnh dại theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/05/2013“ Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người”.
Giảng viên và học viên đã cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống và dự phòng bệnh dại, sau lớp tập huấn học viên đã có đủ tự tin hơn để chỉ định sử dụng vắc xin và kháng huyết thanh mà cán bộ phòng tiêm đôi lúc cảm thấy lúng túng không rõ chỉ định của mình có đúng hay không.
BS. Phan Công Hùng (Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh)