Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với U.S.CDC và APHL tổ chức Khóa
Tập huấn Giảng viên nguồn lần thứ ba về Chương trình Lãnh đạo Phòng xét nghiệm toàn cầu - GLLP
tại Thành phố Huế
Sáng ngày 16/10/2023, trong khuôn khổ hợp tác với U.S.CDC và Hiệp Hội các Phòng Xét nghiệm Y tế công cộng (APHL), Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với U.S.CDC và APHL đã tổ chức Khóa Tập huấn Giảng viên nguồn lần thứ ba về Chương trình Lãnh đạo Phòng xét nghiệm toàn cầu - GLLP tại Thành phố Huế.
Tại Khóa tập huấn, về phía Viện Pasteur TP.HCM, có sự tham dự và phát biểu khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM; về phía U.S.CDC tại Việt Nam có sự tham dự của TS. Bùi Thị Thu Hiền – Trưởng chương trình xét nghiệm và 25 Anh/Chị Giảng viên là cán bộ Lãnh đạo của các Phòng xét nghiệm Y tế và Thú y trong cả nước.
(PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM phát biểu khai mạc Khóa tập huấn. Ảnh: P. Kế hoạch Tổng hợp)
Chuỗi các khóa đào tạo đã được khởi động vào tháng 4/2023 tại Thành phố Đà Nẵng với sự tham dự, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ/Cục của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các chuyên gia của Hoa Kỳ. Một trong những kết quả của Hội thảo là chương trình đào tạo phù hợp với thực trạng của Việt Nam bao gồm khoảng 4-5 khóa tập huấn để hoàn thành chương trình GLLP với mong muốn cung cấp cho các chuyên gia phòng xét nghiệm các công cụ để phát triển năng lực Lãnh đạo phòng xét nghiệm và nâng cao hiệu quả của Hệ thống Phòng xét nghiệm Quốc gia nhằm cải thiện an ninh y tế bằng cách tiếp cận Một Sức Khỏe (One Health). Khóa tập huấn tại TP. Huế lần này là Khoá tập huấn lần thứ 3 trong khuôn khổ chương trình đào tạo.
(Toàn cảnh buổi Tập huấn. Ảnh: P. Kế hoạch Tổng hợp)
Chương trình của khóa 3 TOT lần này sẽ diễn ra trong vòng 4 ngày (16-19/10/2023) và nội dung chính bao gồm 14 chuyên đề chính: (1) Kỹ năng giao tiếp chung; (2) Tổng quan về hệ thống PXN kiểu mẫu và thành tố thiết yếu của hệ thống PXN; (3) Khung chính sách pháp luật; (4) Cơ sở hạ tầng; (5) Viết đề xuất/đề án; (6) Quan hệ truyền thông; (7) Hệ thống thông tin; (8) An toàn/An ninh sinh học; (9) Nghiên cứu và cải tiến; (10) Truyền đạt thông tin khoa học; (11) Nhân lực; (12) Truyền thông nguy cơ; (13) Đánh giá nguy cơ sự kiện y tế công cộng; (14) Hệ thống quản lý chất lượng.
(Các đại biểu và học viên tham dự khóa tập huấn chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: P. Kế hoạch Tổng hợp)