Sáng 7/9: Biến thể phụ BA.5 đang dần chiếm ưu thế, 3 yếu tố quan trọng trong điều trị COVID-19
Ngày đăng: 15:49:23 07/09/2022

Sáng 7/9: Biến thể phụ BA.5 đang dần chiếm ưu thế, 3 yếu tố quan trọng trong điều trị COVID-19

SKĐS - Nước ta đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân COVID-19 nặng đang gia tăng, cần 3 yếu tố quan trọng trong điều trị COVID-19.

Ca mắc COVID-19 tăng vọt, biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế

Bộ Y tế cho biết ngày 6/9 có gần 3.694 ca COVID-19 mới, cao nhất trong gần 4 tháng qua; tăng hơn 1.500 ca so với hôm qua. Trong ngày có gần 6.000 bệnh nhân khỏi; 1 trường hợp tử vong tại Bến Tre. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, ghi nhận các trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.424.754 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.120 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.237.971 ca; Hiện nay đang điều trị, giám sát 1,143 triệu trường hợp, trong đó có 117 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 107; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3;  Thở xâm lấn: 7. 

 

 Nước ta đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Trong 7 ngày qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.300 ca mắc mới mỗi ngày (có ngày ghi nhận cao nhất gần 3.700 ca- cao nhất trong khoảng gần 4 tháng qua), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. 

3 yếu tố quan trọng trong điều trị COVID-19

Trước tình hình ca mắc mới gia tăng, bệnh nhân nặng tăng, để đảm bảo các phương án, lực lượng, phương tiện, hậu cần đáp ứng cho các kịch bản phòng chống dịch, Bộ Y tế nêu rõ yếu tố quyết định trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 là: oxy y tế, thuốc và trang thiết bị y tế là đặc biệt quan trọng.

Do đó Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế, Y tế các Bộ - ngành, các Bệnh viện khẩn trương rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.

Đặc biệt, phối hợp với bộ phận điều phối oxy y tế của tỉnh, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho công tác điều trị người bệnh COVID-19 và các bệnh khác trên địa bàn, trong đó cần chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở điều trị, lập phương án cung ứng oxy y tế trên địa bàn.

Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. 

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; do đó cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. 

Đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. 

Cơ quan Dược phẩm Italy phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 610,8 triệu ca, trên 6,5 triệu ca tử vong.

Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19 từ 10 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày. Sau khi chính sách mới có hiệu lực, thời gian cách ly của người mắc COVID-19 có triệu chứng sẽ được rút ngắn xuống còn 7 ngày, tính từ ngày xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh. 

Ngoài ra, giới chức cũng đang cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng. Việc rút ngắn thời gian cách ly nhằm mục đích đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, giúp giảm thiểu tác động đến các hoạt động kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, sự thay đổi này cũng giúp Nhật Bản chuẩn bị cho làn sóng bùng phát các biến thể mới  lây lan nhanh hơn của virus SARS-CoV-2.

Ngày 5/9, Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) đã phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron, dự kiến có thể bắt đầu tiêm loại vaccine mới cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong vòng 10 ngày tới.

Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 1/9 đồng ý cho phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và Mordena được điều chỉnh phù hợp để chống dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Anh, Mỹ, Canada cũng có động thái tương tự.

 Nguồn: suckhoedoisong.vn

 
Các tin khác