Sáng 2/8: Những tình huống nào ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam? Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh
SKĐS - Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta; Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh phải tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19.
Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh, phải tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 1/8 có 1.377 ca COVID-19; trong ngày có 9.648 bệnh nhân khỏi, gấp 7 lần số ca nhiễm mới; Trong ngày tiếp tục không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.781.009 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.728 ca nhiễm);
Đến nay tổng số ca COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 9.923.044 ca; Trong số bệnh nhân đang điều trị và theo dõi có 50 ca thở oxy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 44 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca.
Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh phải tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19
Theo Cục Y tế dự phòng, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.
Ngoài ra các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian, có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương cần tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra; nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; chỉ đạo thực hiện rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine 2023.
3 tình huống ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta
Để chủ động ứng phó, chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch.
- Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam
Các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn của dịch; Chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện cho phòng chống dịch.
Xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; Thành lập đội chống dịch cơ động hỗ trợ cho tuyến dưới; Tổ chức diễn tập phòng chống dịch; Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.
- Tình huống 2: Có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam
Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; Cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở; Thường trực chống dịch 24/24h.
Rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hoá chất, nhân lực sẵn sàng ứng phó với dịch lan rộng; Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế: công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.
- Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng
Mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; Huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia; Thường trực chống dịch 24/24h; Sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết;
Phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh; Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm, giám sát.
Nguồn: suckhoedoisong.vn