Hội nghị do BYT phối hợp với Viện Pasteur TP HCM tổ chức. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Tây Nam Bộ (TNB) và của hơn 150 đại biểu là Lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương, các bệnh viện; Cục Quân Y, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng) cùng Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế của 19 tỉnh thuộc khu vực Phía Nam (trừ Lâm Đồng).
Tại Hội nghị có các bài báo cáo về tình hình dịch bệnh KVPN/TNB ( Viện Pasteur TP HCM), Các giải pháp tăng cường công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh đối với khu vực Tây Nam Bộ (Cục quản lý môi trường y tế) và 5 bài tham luận về: chăm sóc, theo dõi sức khỏe phụ nữ mang thai trong tình hình dịch bệnh do virus Zika; các giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em khu vực Tây Nam Bộ; công tác phòng chống Sốt xuất huyết, Zika của TP HCM; công tác phối hợp xử lý ổ dịch tại Khu công nghiệp của tỉnh Kiên Giang và công tác phòng chống dịch Rubella của tỉnh Tiền Giang.
Hình 1: Quang cảnh buổi hội nghị
Mở đầu hội nghị, PGS.TS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM có bài báo cáo về Tình hình bệnh truyền nhiễm (BTN) và công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) khu vực phía Nam (KVPN) cùng đề xuất các giải pháp đáp ứng. Trọng tâm của bài báo cáo nhấn mạnh về vấn đề Y tế công cộng, tình hình BTN và công tác TCMR trên thế giới và trong KVPN, Tây nam bộ. PGS. TS Lân cho nêu bật BTN đang nóng hiện nay tại khu vực là bệnh Sốt xuất huyết, Zika và đang có diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh đó một số các ổ dịch nhỏ của các bệnh có vắc xin như Rubella, Cúm vẫn xảy ra ở khu công nghiệp.
PGS.TS. Lân cũng nêu lên một số khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm và nhận định xu hướng tình hình dịch bệnh trong thời gian tới , đề xuất các giải pháp phù hợp đối với KVPN nói chung và khu vực Tây Nam Bộ nói riêng. Một trong các giải pháp quan trọng và căn cơ trong công tác phòng, đáp ứng dịch đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của người dân chung tay cùng ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như giữ vệ sinh môi trường sống, chủ động diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH, Zika, Viêm não Nhật bản… và tiêm chủng đầy đủ theo lịch TCMR của quốc gia. Các hoạt động này cần được duy trì thường xuyên và có sự kiểm tra nhắc nhở từ phía chính quyền.
Hình 2: Ông Lê Hùng Dũng, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu trong hội nghị
Tiếp theo là bài báo cáo của TS.BS. Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế về Các giải pháp tăng cường công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh đối với khu vực Tây Nam Bộ. Bài trình bày đề cập đến thực trạng nước sạch và vệ sinh môi trường trên toàn quốc và KVPN, các khó khăn và thách thức, giải pháp thực hiện. Các bài báo cáo tham luận trong hội nghị cũng nêu lên thực trạng, khó khăn, bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác xử lý các ổ dịch tại các địa phương.
Trong phần thảo luận, đại diện một số tỉnh thành cũng đưa ra các đề xuất, giải pháp cho hoạt động giám sát BTN, xử lý dịch, chế độ chính sách, ngân sách cấp hàng năm cho Y tế dự phòng…. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã có những trả lời cụ thể cho các vấn đề do các đại biểu nêu lên.
Hình 3: GS.TS. Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo trong hội nghị
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng đã có những kết luận và chỉ đạo cho Y tế địa phương và yêu cầu sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ chính quyền, cụ thể:
- Khu vực TNB là khu vực nhạy cảm cao với dịch bệnh, SXH, TCM, tiêu chảy. Đây là các bệnh thường xuyên tại khu vực, đặc biệt SXH chiếm tỷ lệ cao so với cả nước. Zika cũng sẽ là bệnh nguy cơ, vì vậy các biện pháp PCD phải được duy trì thực hiện thường xuyên.
- Bênh Zika sẽ có thể thêm nhiều ca mắc tại TNB vì theo nhận định của các chuyên gia : Zika song song cùng SXH, nhưng đường lây nhiều hơn, miễn dịch cộng đồng chưa có và để lại di chứng nặng nề.
- Môi truòng vệ sinh: còn tồn tại nhiều vấn đề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ý thức của cộng đồng trong sinh hoạt…
- Có thể khắc phục các vấn đề nêu trên bằng cách tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, không giao phó cho Y tế. Huy động sự chung tay, chủ động của mọi người dân, các ban ngành đoàn thể tham gia phòng chống dịch, có như vậy dịch bệnh mới được đẩy lùi và đây cũng chính là biện pháp căn cơ giúp thay đổi hành phòngchống dịch.
- Các địa phương cần xây dựng kế hoạch PCD, duyệt kinh phí từ đầu năm và đảm bảo cấp đủ kinh phí cho phòng chống dịch kể cả khi có dịch đột xuất.
- Chính quyền tăng cường giám sát các hoạt động PCD, xử lý, xử phạt mang tính giáo dục răn đe (theo NĐ 176). Mô hình này đã được TP HCM áp dụng và các nước khác cũng đã triển khai và các địa phương cần tập trung áp dụng các biện pháp PCD theo chỉ thị của thủ tướng chính phủ
- Hoạt động trước mắt, từ nay đến cuối năm các địa phương cần tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng ở cấp tuyến hyện, xã để huy động mọi người đân tham gia phòng chống SXH, Zika, giúp mọi người có nhận thức đúng và thay đổi hành vi trong phòng bệnh.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Tây Nam Bộ, chính quyền các cấp cũng như sự nỗ lực của hệ thống y tế địa phương trong thời gian qua, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đã tích cực giám sát, phòng chống các BTN bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh không được chủ quan trước tình hình diễn biến
Hội nghị kết thúc tốt đẹp với tinh thần quyết tâm của chính quyền và y tế địa phương trong việc ứng phó với tình hình dịch bệnh trong khu vực.
Tổ Phòng Chống Dịch – Khoa KSPNDB