Hội nghị đã quy tụ 15 quốc gia trong khu vực với gần 50 đại biểu. Bộ Y tế Việt Nam đã cử đại biểu đại diện Chương Trình Mục tiêu Quốc gia về Tiêm chủng Mở rộng (CTMT QG TCMR) và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đại diện CTMT QG TCMR miền Nam tham dự.
Ông Phó Tổng Giám Đốc Unicef khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát biểu khai mạc hội nghị
Mục tiêu của hội nghị nhằm đề xuất những giải pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc chủ yếu trong công tác quản lý tiêm chủng nhằm đảm bảo tính công bằng trong tiêm chủng trên cơ sở cải thiện hệ thống chuỗi cung ứng phục vụ cho công tác tiêm chủng; mỗi quốc gia xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm tăng cường công tác cung ứng hậu cần giúp đảm bảo tính công bằng trong tiêm chủng thể hiện bằng việc bao phủ tiêm chủng đến tận vùng sâu, vùng xa của quốc gia; tăng cường hợp tác giữa các quốc gia Nam-Nam nhằm trao đổi kinh nghiệm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý tiêm chủng.
Trong 4 ngày hội nghị, đại diện các quốc gia cũng đã báo cáo tham luận về những thành tựu cũng như những vướng mắc trong công tác quản lý tiêm chủng. Trong quá trình thảo luận, các quốc gia cũng trao đổi những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề tồn tại và kinh nghiệm xử lý trên các lĩnh vực cung ứng hậu cần phục vụ công tác tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (SMS) trong quản lý hiệu quả công tác tiêm chủng (EVM-Effective Vaccination Management) v.v… Có thể nói, vấn đề tồn tại chung của các quốc gia đều có liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống DCL như thiếu cán bộ kỹ thuật và phụ tùng thay thế; kinh phí hoạt động chưa đủ đảm bảo cho tiêm chủng; vấn đề địa lý và tập quán thói quen của 1 bộ phận dân tộc tại các vùng sâu, vùng xa; vấn đề tín ngưỡng tôn giáo; thiên tai bão lụt v.v… là những rào cản làm cản trở mục tiêu bao phủ tiêm chủng cho quốc gia, tạo nên sự bất bình đẳng (inequity) trong công tác tiêm chủng do người dân và đặc biệt lả trẻ em chịu tác động bởi những yếu tố nêu trên không được thụ hưởng lợi ích về tiêm chủng.
Bên cạnh những tham luận của đại diện các nước, đại diện của Unicef và WHO cũng đã trình bày 1 số chuyên đề có liên quan và gợi ý 1 số hoạt động có tính chất cơ bản giúp các quốc gia xây dựng chương trình hành động cho quốc gia mình, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông và công nghệ cao trong theo dõi, giám sát dữ liệu về quản lý tiêm chủng, bảo quản, vận chuyển vắc xin đến tận vùng sâu, vùng xa.
Ông Terry Hart, Cố vấn cao cấp về Chuỗi Cung ứng tiêm chủng (Unicef/HQ)
trình bày về nguyên tắc bảo dưỡng hệ thống kỹ thuật phục vụ tiêm chủng
Đoàn đại biểu Việt Nam cũng tham luận nêu bật những thành tựu đã đạt được trong công tác tiêm chủng, đồng thời dự kiến chương trình hành động cụ thể trong năm 2016 nhằm nâng cao chất lượng quản lý tiêm chủng, phấn đấu giúp trẻ em ở những vùng đặc biệt khó khăn được tiêm chủng đầy đủ.
Nhằm thực hiện được mục tiêu này, đoàn Việt Nam đã đề nghị Unicef, WHO và GAVI hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý tiêm chủng cho cán bộ tiêm chủng tại các khu vực và địa phương; đào tạo cán bộ kỹ thuật bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị dây chuyền lạnh (DCL); giúp trang bị, nâng cấp các trang thiêt bị DCL, như kho lạnh bảo quản vắc xin, tủ trữ lạnh và đặc biệt các thùng vận chuyển vắc xin (Vaccine Carrier) có khả năng bảo quản vắc xin tại nhiệt độ quy định trong thời gian dài nhằm đảm bảo chất lượng vắc xin khi vận chuyển đến vùng sâu, vùng xa, miền núi và những khu vực bị thiên tai. Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông vào công tác quản lý tiêm chủng và vắc xin cũng được đặc biệt quan tâm và đưa vào chương trình hành động trong năm 2016. Báo cáo và kế hoạch hành động của Việt Nam đã được ban tổ chức đánh giá cao vì đã đáp ứng được chủ đề xuyên suốt của hội nghị là: “Tiêm phòng vắc xin phải được bao phủ đến mọi vùng miền và đến từng trẻ em (last mile and last child) nhờ vào việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và cung ứng vắc xin” .
Hội nghị đã diễn ra khẩn trương và nghiêm túc, tập trung được vào các chủ đề chính do Ban tổ chức đề xuất. Hy vọng rằng, qua hội nghị này, với chương trình hành động trước mắt và lâu dài được sự quan tâm của Ban Tổ chức, Ban Quản lý CT MTQG TCMR sẽ có những cải tiến đáng kể trong công tác quản lý hiệu quả tiêm chủng vắc xin, nhằm đưa tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em Việt Nam cao hơn, đặc biệt đối với trẻ em tại các địa phương còn nhiều khó khăn, đạt được mục tiêu Thiên Niên Kỷ về TCMR như đã cam kết với quốc tế.
KS. Nguyễn Văn Hải