Tác giả: Bs. Hồ Thị Thiên Ngân
Vi rút Viêm não Nhật Bản là nguyên nhân chính gây viêm não vi rút ở nhiều nước châu Á với gần 68.000 ca mắc hàng năm. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Di chứng liệt, co giật hoặc di chứng tâm thần có thể xảy ra ở 30-50% ca viêm não Nhật Bản.
Vi rút viêm não Nhật Bản lưu hành tại 26 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương với hơn 3 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh.
Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Việc điều trị chủ yếu là làm giảm các dấu hiệu lâm sàng nặng và hỗ trợ các bệnh nhân vượt qua các nhiễm trùng.
Vắc xin viêm não Nhật Bản là an toàn và hiệu quả để phòng bệnh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại tất cả các quốc gia mà bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Câu hỏi 1: Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
Thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh gây nên do vi rut VNNB, lây truyền qua muỗi đốt.
Câu hỏi 2: Tại sao lại gọi là bệnh viêm não Nhật Bản?
Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản lần đầu tiên tìm ra căn nguyên bệnh tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ, nhiều người mắc, tử vong rất cao, từ đó đặt tên là vi rút VNNB. Năm 1938 tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi Culex tritaeniorhynchus, sau đó tìm ra vật chủ và ổ chứa chính của vi rút VNNB (Lợn và chim).
Ở Việt Nam, bệnh VNNB được ghi nhận đầu tiên vào năm 1952.
Câu hỏi 3: Ở Việt Nam bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện từ khi nào và lưu hành ở những vùng nào?
Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952.
Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc.
Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
Câu hỏi 4: Bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra vào mùa nào?
Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7.
Câu hỏi 5: Ổ chứa của vi rút VNNB có ở đâu?
Ổ chứa vi rút VNNB trong thiên nhiên, ở các loài động vật có xương sống, là nơi vi rút VNNB nhân lên và từ đó phát tán rộng.
Ổ chứa vi rút còn gặp ở một số loài động vật sống hoang dã như : Các loại chim, một số loài bò sát.
Một số loài vật nuôi gần người: Lợn (heo), trâu, bò, dê, cừu, chó, khỉ. Bò và ngựa có thể mang vi rút nhưng ít khi làm lây nhiễm cho con người.
Cơ thể người nhiễm vi rút VNNB cũng là một loại ổ chứa, nhưng chỉ là tạm thời do thời gian lưu giữ vi rút rất ngắn.
Câu hỏi 6: Vi rus VNNB có thể diệt ở nhiệt độ, hoá chất diệt khuẩn nào?
Vi rút có sức đề kháng với nhiệt độ cơ thể và tác động hóa học. Vi rút bị phá hủy ở nhiệt độ trên 56 °C trong 30 phút; điểm bất hoạt nhiệt (TIP) là 40 ° C. Vi rút cũng bị bất hoạt trong môi trường axit với pH 1-3 (ổn định trong môi trường kiềm pH 7-9).
Hóa chất / Thuốc khử trùng: bất hoạt bởi các dung môi hữu cơ và lipid, các chất tẩy rửa thông thường, iốt, iodophors phenol 70% ethanol, 2% glutaraldehyde, 3-8% formaldehyde, 1% sodium hypochlorite.
Vi rút rất không ổn định và không sống được trong môi trường tự nhiên; nhạy cảm với ánh sáng cực tím và phóng xạ gamma.
Câu hỏi 7: Bệnh VNNB nguy hiểm không?
Bệnh đã có vắc xin phòng ngừa, là bệnh có thể phòng ngừa được.
Bệnh để lại di chứng nặng nề.
Tỷ lệ tử vong cao 10 -20%.
Câu hỏi 8: Nhóm tuổi nào có nguy cơ mắc ?
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh.
Bệnh VNNB chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước dây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.
Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Câu hỏi 9: Virus VNNB khu trú ở đâu?
Virus viêm não Nhật Bản khu trú ở heo và chim, khi muỗi đốt vật chủ (Heo, chim …) mang virus, sau đó đốt người, sẽ truyền bệnh sang cho người.
Virus viêm não Nhật Bản tồn tại quanh năm nhưng lây truyền mạnh nhất sang người vào mùa hè, là thời điểm muỗi sinh sôi và phát triển mạnh.
Những nước nông nghiệp như Việt Nam, việc chăn nuôi heo, chim, thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền virus viêm não Nhật Bản và VN là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh cao.
Câu hỏi 10: Nguồn truyền nhiễm của bệnh VNNB là loài nào?
Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người.
Nguổn tuyền nhiễm trong thiên nhiên là loài chim, trong đó có một số loài ăn quả vải quả nhãn như tu hú, liếu điếu.
Nguồn truyền nhiễm gần người là một số loài gia súc, trong đó quan trọng nhất là lợn nhà.
Người bệnh có thể truyền vi rút qua muỗi đốt, tuy nhiên trên thực tế người không có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB.
Câu hỏi 11: Tại sao loài lợn (heo) được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng ?
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất, vì:
Chỉ số lợn bị nhiễm virút VNNB rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và số lượng lợn nuôi tại hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).
Sự xuất hiện vi rút VNNB trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virút. Thời gian nhiễm virút huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virút VNNB trong máu đủ để gây nhiễm cho muỗi Culex tritaeniorhynchus.
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus, véc tơ chính truyền bệnh VNNB cho người, rất ưa thích hút máu lợn.
Câu hỏi 12: Bệnh VNNB được lây truyền theo đường nào?
Bệnh VNNB lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh.
Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi rút.
Bệnh VNNB không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
Câu hỏi 13: Có mấy chu trình lan truyền vi rút VNNB?
Có 2 chu trình lan truyền vi rút VNNB chính trong thiên nhiên :
Chu trình chim - muỗi - chim: vi rút VNNB được truyền từ con chim nhiễm vi rút sang con chim lành qua các loài muỗi ưa thích hút máu chim.
Chu trình lợn - muỗi - lợn : trong đó vi rút VNNB được truyền từ con lợn nhiễm vi rút sang con lợn lành qua các loài muỗi ưa thích hút máu lợn.
Giữa 2 chu trình lan truyền trong thiên nhiên có 1 chu trình lan truyền phụ, còn gọi là ngõ cụt sinh học, trong đó muỗi nhiễm vi rút VNNB (từ chim và lợn) đốt, hút máu người và truyền vi rút cho người lành.
Câu hỏi 14: Biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản?
Hầu hết các ca nhiễm vi rút VNNB đều có biểu hiện nhẹ với dấu hiệu sốt và đau đầu, hoặc không có triệu chứng. Nhưng có khoảng 1/250 ca nhiễm vi rút có biểu hiện nặng với triệu chứng đột ngột sốt cao, đau đầu, cứng gáy, mất phương hướng, hôn mê, co giật, liệt co cứng. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% trong số những người có biểu hiện triệu chứng bệnh.
Trong số những người sống sót, 20% -30% bị di chứng trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như liệt, co giật tái diễn hoặc không nói được.
Câu hỏi 15: Biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản?
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao (10 – 20%).
Bệnh để lại di chứng nặng nề về thần kinh, vận động (Parkinson, động kinh, hôn mê sâu, co giật,…)
Câu hỏi 16: Có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng do VNNB không? bằng cách nào?
Có thể được, bằng những biện pháp sau:
Gia đình khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ VNNB đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và theo dõi điều trị.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Phát hiện sớm di chứng để điều trị hồi phục chức năng cho bệnh nhân.
PHÒNG NGỪA BẰNG VACCINE VÀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA:
Câu hỏi 17: Cộng đồng cần làm gì để phòng bệnh viêm não Nhật Bản?
Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất.
Tiêm chủng 3 liều: mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi, mũi 2 sau đó 1 – 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15.
Muỗi là con vật trung gian truyền bệnh nên để phòng bệnh cần diệt muỗi và chống muỗi đốt.
Người dân phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc diệt muỗi và diệt bọ gậy. cho trẻ mặc quần áo dài và ngủ màn. Một số loại thuốc bôi da có tác dụng chống muỗi đốt hiệu quả và an toàn, trẻ hoàn toàn có thể sử dụng.
Ở khu vực nông thôn, việc chăn nuôi lợn, nuôi chim tạo điều kiện cho virus có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, đặc điểm của virus này là bị diệt ở nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời hoặc các chất tẩy rửa diệt trùng. Do đó, các hộ gia đình cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà ở để bảo đảm sức khỏe.
Câu hỏi 18: Tại sao phải tiêm vaccine phòng bệnh Bệnh Viêm não Nhật bản?
Tiêm vắc xin là biện pháp gây miễn dịch đặc hiệu và lâu bền cho mọi người.
Tiêm vắc xin VNNB là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất và bệnh VNNB cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Vắc xin VNNB có hiệu quả bảo vệ trên 90%
Câu hỏi 19: Lịch tiêm chủng vắc xin VNNB như thế nào?
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
Mũi 1: càng sớm càng tốt.
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Nên thực hiện việc tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản liều 2, và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ có sớm nhất 1 tuần sau vắc xin mũi thứ 3.
Câu hỏi 20: Đối tượng nào cần tiêm ngừa?
Tiêm vắc xin VNNB được khuyến khích cho những người sống trong vùng có lưu hành bệnh VNNB, nhất là với trẻ em từ 1 đến 15 tuổi. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm theo chương trình TCMR.
Đối với trẻ < 5 tuổi : Cho trẻ tiêm khi 12-15 tháng tuổi, theo lịch tiêm đủ 3 mũi của chương trình TCMR. Có thể tiêm nhắc sau 5 năm kể từ mũi tiêm thứ 3.
Đối với trẻ > 5 tuổi: Nếu chưa được tiêm, thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Mũi tiêm nhắc sau 5 năm.
Lịch tiêm với người lớn : nếu chưa từng tiêm nên tiêm ngay, theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản và chỉ cần tiêm nhắc 1 mũi.
Nên tổ chức tiêm trước mùa bệnh, khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ được tạo sau tiêm 3 tuần.
Câu hỏi 21: Những trường hợp nào không nên tiêm hoặc hoãn tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản?
Người có cơ địa quá mẫn với Thiomersal hoặc với các chế phẩm của não chuột, có dị ứng với vắc-xin viêm não Nhật Bản lần tiêm trước.
Người đang sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.
Người đang mắc bệnh tim, gan, thận, đái tháo đưòng giai đoạn nặng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính.
Không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ có thai.
Người nhiễm HIV đã chuyển thành AIDS.
Câu hỏi 22: Làm gì sau khi tiêm vắc xin cho trẻ?
Giải thích với đối tượng tiêm, người chăm sóc trẻ về những phản ứng thông thường và những phản ứng nặng cần được theo dõi, phát hiện sau khi tiêm.
Người chăm sóc trẻ cần theo dõi 30 phút sau tiêm, để phát hiện kịp thời những phản ứng phụ có thể gặp.
Ghi phiếu tiêm chủng. Hẹn thời gian tiêm lần sau.
Câu hỏi 23: Tiêm vắc xin VNNB có thể gặp những tác dụng phụ nào?
Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, xưng, đỏ. Thường gặp ở 5-10% người được tiêm.
Một số rất ít có thể có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Thường xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày.
Một tỷ lệ cực nhỏ (1 trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
Phản ứng phụ có thể được hạn chế nếu thực hiện các mũi tiêm đúng thời gian, liều lượng, đường tiêm và việc khám, hỏi kỹ tình trạng của trẻ trước khi tiêm cũng như theo dõi tiếp, cho trẻ nghỉ ngơi sau khi tiêm trong vòng 30 phút.
Câu hỏi 24: Ai là người thực hiện các biện pháp phòng chống chủ động bệnh VNNB
Mọi người dân trong cộng đồng đều có trách nhiệm và có khả năng phòng chống bệnh VNNB
Câu hỏi 25: Những biện pháp phòng chống vectơ truyền bệnh VNNB là gì?
Phòng chống muỗi đốt cho người và gia súc
Diệt muỗi trưởng thành và ấu trùng muỗi : bằng các tác nhân sinh học, hoá chất, cơ học.
Hạn chế sự pháp triển của quần thể muỗi và tác hại của muỗi và của vật chủ, ổ chứa vi rút : cải tạo môi trường khu dân cư, vệ sinh môi trường, nguồn nước, di rời khu chăn nuôi xa nhà ở...
Câu hỏi 26: Phòng chống muỗi đốt bằng những biện pháp nào?
Ngủ mùng kể cả ban ngày lẫn ban đêm, có thể sử dụng màn tẩm hoá chất permethrin có hiệu lực xua diệt muỗi trong vòng 3 tháng.
Sử dụng tấm rèm chống muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ nhà ở và chuồng gia súc. Có thể tẩm rèm, mành che bằng permethrin, có tác dụng bảo vệ trong vòng vòng 3 tháng.
Sử dụng bình xịt hoá chất cá nhân, hương muỗi cho các không gian khép kín nhằm diệt muỗi trưởng thành. Dùng hương muỗi hoặc xông khói cho chuồng gia súc.
Mặc quần áo dài tay
Sử dụng các biện pháp xua đập muỗi cơ học vào lúc chập tối và sáng sớm cho nhà ở và chuồng gia súc.
Sử dụng kem xua ngoài da hoặc các biện pháp chống muỗi đốt khác cho trẻ em và người chăm sóc, thu hoạch vải, nhãn khi làm việc tại khu vườn cây ăn quả, nhất là vào mùa bệnh VNNB.
Thực hiện các biện pháp phòng chống khác như: kiểm soát muỗi Culex truyền bệnh; kiểm soát động vật mang vi rút gây bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, quy hoạch và cải tạo khu vực dân cư, khu chuồng trại chăn nuôi .
Câu hỏi 27: Tại sao chuồng gia súc cần đưa ra xa nhà ở?
Muỗi Culex rất ưa đốt hút máu gia súc nhất là lợn, trâu, bò, ngựa, dê, chó, mèo, thỏ....
Muỗi thường trú đậu ở đồng lúa, chuồng gia súc, nếu không chú ý vệ sinh chuồng trại và thường xuyên xua diệt muỗi cho gia súc.
Vì vậy xây chuồng gia súc với nhà ở càng xa càng tốt, tối thiểu cách 50 mét. Chuồng gia súc phải thông thoáng, được làm vệ sinh thường xuyên.
Câu hỏi 28: Khu dân cư như thế nào để có thể hạn chế tác hại của muỗi và vật chủ truyền bệnh VNNB ?
Nhà ở phải thông thoáng, có lưới, rèm, mành kiểm soát và hạn chế muỗi vào nhà.
Chuồng gia súc xa khu nhà ở, khu làm việc, khu nhà trẻ, trường học.
Khu vườn cây ăn quả, nhất là vườn nhãn, vải hấp dẫn chim tu hú, liếu điếu xa nhà ở và khu làm việc, nhà trẻ, trường học phổ thông.
Khai thông cống rảnh, phát quang bụi rậm nhằm kiểm soát, hạn chế muỗi sinh sản.
Câu hỏi 29: Kiểm soát các nguồn nước là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh VNNB
Ao, hồ, đầm, khúc sông...): nên thường xuyên làm sạch rong rêu (vật thể bám và trú ẩn của ấu trùng muỗi), nuôi thả các loại cá ăn nổi
Rãnh thoát nước, vật chứa nước trong nhà...nếu không lấp bỏ được thì cần làm cạn, làm vệ sinh khơi thông dòng chảy thường xuyên hoặc thả cá có thể ăn bọ gậy các loài muỗi.
Những vật phế thải (chai, lọ …) quanh nhà cần được thu gom, lật úp, tiêu huỷ hàng tuần.
Đối với khu ruộng lúa nước, nhất là các chân ruộng lúa nước sát khu dân cư nên chú ý khâu điều tiết tưới tiêu, kết hợp nuôi thả cá có khả năng chống chịu hạn cao để ăn bọ gậy.
Tài liệu tham khảo
Japanese encephalitis -http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs386/en/
https://www.cdc.gov/japaneseencephalitis/index.html
Frequently Asked Questions- https://www.cdc.gov/japaneseencephalitis/qa/index.html
https://www.cdc.gov/japaneseencephalitis/maps/index.html
Japanese Encephalitis Vaccine. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a607019.html
Vaccine Information Statement: Japanese Encephalitis Vaccine (What You Need to Know) Centers for Disease Control and Prevention (CDC). 01/24/2014. http://www.cdc.gov/vaccines/hcp/vis/vis-statements/je-ixiaro.pdf Accessed April 2016.
Sổ tay kiểm soát các bệnh truyền nhiễm - Trang 555 và 569
Đăng bởi: Phạm Huy - TTĐT