Cùng đi với đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục/Viện liên quan.
Bộ trưởng và đoàn công tác chụp hình lưu niệm cùng tập thể cán bộ Viện Pasteur TP. HCM (Ảnh. K. KSDB)
Vào 14h00 cùng ngày, tại Viện Pasteur TP. HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì buổi làm việc trực tiếp với Lãnh đạo các Viện và Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh P. KHTH)
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần, thái độ làm việc, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ Hệ thống Y tế dự phòng trong thời gian qua, ghi nhận thành quả hoạt động trong việc việc khống chế, đẩy lùi và ngăn chặn thành công một số bệnh nguy hiểm, kiểm soát được các bệnh không lây nhiễm, bước đầu đổi mới tư duy tài chính để tăng nguồn thu trong bối cảnh khó khăn về ngân sách nhà nước, khó thu hút nhân lực, cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu định hướng đổi mới (Ảnh P. KHTH)
Sau khi lắng nghe các Viện và Trung tâm Y tế dự phòng TP báo cáo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế tài chính, Bộ trưởng đã chia sẻ một số định hướng đổi mới hệ thống y tế dự phòng trong thời gian tới:
Thứ nhất, về chức năng, nhiệm vụ, cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, xem nghiên cứu là động lực và là nền tảng của sự phát triển. Các lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm là Y sinh học, miễn dịch, môi trường Y tế, các tác động đến sức khỏe, bệnh tật... Củng cố hơn nữa chức năng Y tế công cộng như: Quản lý bệnh tật, quản lý môi trường Y tế, vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe học đường, quản lý các bệnh không lây nhiễm, kiểm soát An toàn thực phẩm. Công tác đào tạo cũng là một trong những hoạt động nòng cốt, cần phối hợp mô hình đào tạo Viện Trường, trong đó Viện tập trung đào tạo thiên về thực hành. Trong bối cảnh khó khăn về về ngân sách, việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ là điều cần thiết, trong đó hoạt động dịch vụ phải gắn với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của đơn vị.
Thứ hai, vấn đề đổi mới cơ chế tài chính, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn của đơn vị thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng trong thời điểm hiện nay chưa thể tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên và nhấn mạnh cần quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ sau: tập trung nghiên cứu về giá dịch vụ, trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ; nghiên cứu về phụ cấp cho cán bộ Y tế dự phòng như: phụ cấp trực, phụ cấp làm XN độc hại, dần đưa cung cấp dịch vụ xét nghiệm vào danh mục BHYT nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích các đơn vị chuyển đổi sang tự chủ tài chính hoàn toàn, tuy nhiên hoạt động CSSK cộng đồng nhà nước vẫn sẽ đảm bảo.
Thứ 3, về nhân sự, cần có sự gặp gỡ thống nhất giữa Viện – Trường để trao đổi cầu và cung đối với vấn đề nhân lực của hệ y tế dự phòng, khuyến khích nguồn nhân lực được đào tạo trong các lĩnh vực YHDP, YTCC, KTV xét nghiệm làm việc tại các viện thuộc hệ dự phòng, cân nhắc người ở vị trí quản lý cần được đào tạo bài bản về quản lý y tế, quản lý đơn vị.
Thứ tư, quy hoạch cơ sở hạ tầng: Đề xuất và xây dựng lộ trình hình thành Campus của khu vực tập trung các hoạt động nghiên cứu Y sinh học, Môi trường Y tế, dịch vụ Y tế. Các Viện tập trung cho nhiệm vụ kiếm soát bệnh tật (CDC) và y tế tế công cộng.
Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ đạo các Viện trong thời gian tới phối hợp tích cực với các Vụ, Cục liên quan xây dựng đề án Đổi mới Y tế dự phòng và gửi lời cám ơn đến các Viện, Sở Y tế TP đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác làm việc.
Phòng Kế hoạch Tổng hợp