CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN
Ngày đăng: 14:51:21 26/04/2024

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Tác giả: ThS.Bs. Trần Quang Ngọc
Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh

1. Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virút viêm não Nhật Bản B gây ra. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt, nguồn bệnh chủ yếu từ máu của các loài chim hoang dã và các loài gia súc như heo, ngựa…Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ cao ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, những trường hợp qua khỏi cũng có tỷ lệ di chứng như bại liệt, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần...
2. Các biểu hiện của viêm não Nhật Bản là gì?
Bệnh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39-40°C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đặc biệt là vùng trán, đau bụng, buồn nôn và nôn co giật, li bì, có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức, hôn mê.
3. Biểu hiện bệnh xuất hiện khi nào và kéo dài bao lâu sau khi tiếp xúc với vi-rút viêm não Nhật Bản?
Sau khi tiếp xúc với vi-rút viêm não Nhật Bản từ 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh. Sau tầm 7 đến 8 ngày, nếu không xảy ra tình trạng bội nhiễm, nhiệt độ của cơ thể người bệnh sẽ giảm dần và không còn bị sốt cao nữa. Bên cạnh đó, những hội chứng về não cũng như tình trạng rối loạn thần kinh sẽ cải thiện hơn nhiều nếu như nhận được sự điều trị kịp thời và đúng cách.
4. Vi-rút viêm não Nhật Bản tồn tại bên ngoài cơ thể bao lâu?
Vi-rút viêm não Nhật Bản, thuộc vi-rút arbo nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus; có kích thước 15-22-50 nanomet, có ARN. Vi-rút không chịu nhiệt, chúng bị bất hoạt ở 56°C trong 30 phút; ở 70°C trong 10 phút, 100°C trong 2 phút. Trong trạng thái đông lạnh vi-rút có thể tồn tại trong vài năm. Dưới tác dụng của axeton, cồn và ête vi-rút chết sau 3 ngày. Dung dịch Lysol 5% diệt vi-rút trong 1 phút.
5. Bệnh viêm não Nhật Bản nghiêm trọng như thế nào?
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (25% ở các nước nhiệt đới) và di chứng thần kinh tâm thần là khoảng 50%. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng đặc biệt như: Viêm phổi, suy kiệt....
Trong số những người sống sót, 20%–30% bị di chứng vĩnh viễn về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như tê liệt, co giật tái phát hoặc không thể nói được.
6. Vi-rút gây bệnh viêm não Nhật Bản lây lan như thế nào?
Vi-rút viêm não Nhật Bản lây truyền sang người qua vết cắn của muỗi nhiễm bệnh thuộc loài Culex. Vi-rút tồn tại theo chu kỳ lây truyền giữa muỗi, heo và/hoặc các loài chim. Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nông thôn và ngoại ô, nơi con người sinh sống gần gũi với các vật chủ có xương sống này. Đặc điểm của muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè đẻ trứng và lăng quăng phát triển chủ yếu ở các ruộng lúa nước, nên bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu ở Châu Á và một số vùng Châu Úc.
7. Một người không có triệu chứng có thể lây lan bệnh viêm não Nhật Bản không?
Con người, một khi bị nhiễm vi-rút viêm não Nhật Bản, sẽ không phát triển đủ lượng vi-rút trong máu để lây nhiễm sang muỗi hút máu. Vì vậy, không thể lây truyền từ người sang người.
8. Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản?
Đối tượng cảm thụ bệnh cao là trẻ em dưới 10 tuổi. Người lớn tỷ lệ có kháng thể cao do vậy ít mắc bệnh hơn. Tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản ở vùng đồng bằng cao hơn vùng rừng núi và ở nông thôn cao hơn thành phố. Sau khi nhiễm bệnh để lại miễn dịch chắc chắn và vững bền.
9. Bệnh viêm não Nhật Bản có thể phòng tránh được không?
Bệnh viêm não Nhật Bản hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hai cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản là:
- Tránh bị muỗi đốt, đặc biệt là ở những khu vực phổ biến bệnh viêm não Nhật Bản.
- Chủng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản.
10. Ai nên tiêm ngừa viêm não Nhật Bản?
Ở Việt nam, vắc-xin viêm não Nhật Bản có thể sử dụng cho tất cả đối tượng từ 9 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên đối tượng cần tiêm nhất là từ 9 tháng đến 18 tuổi.
Đối với người lớn, tiêm chủng được khuyến cáo cho những người:
- Sống một tháng trở lên ở châu Á hoặc vùng eo biển Torres của Úc trong mùa mưa.
- Làm việc trong phòng thí nghiệm với vi-rút viêm não Nhật Bản.
- Làm việc với muỗi.
- Làm việc với heo.
11. Vắc-xin viêm não Nhật Bản có an toàn không?
Có 4 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản chính đã và đang được sử dụng: vắc-xin bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vắc-xin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero, vắc-xin sống giảm độc lực và vắc-xin tái tổ hợp sống. Các vắc-xin viêm não Nhật Bản được đánh giá an toàn và hiệu quả, tuy có một số tác dụng ngoại ý không mong muốn, nhưng với tỷ lệ thấp có thể phòng tránh và xử trí tốt. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm chủng viêm não Nhật Bản ở tất cả các khu vực nơi được đánh giá có căn bệnh này lưu hành, ngay cả khi số trường hợp được xác nhận mắc bệnh thấp.
12. Tôi có thể bị nhiễm vi-rút viêm não Nhật Bản khi tiêm ngừa không?
Nếu đã được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin viêm não Nhật Bản thì tỷ lệ bảo vệ đạt từ 90 – 95 %, tùy loại vắc-xin. Như vậy có một tỷ lệ nhỏ sau khi tiêm đủ liều vắc-xin viêm não Nhật Bản vẫn có thể nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, những trường hợp này có nhiễm vi-rút cũng không phát triển thành bệnh hoặc có phát triển thành bệnh thì cũng ở thể bệnh nhẹ.
13. Có nên chủng ngừa viêm não Nhật Bản trước khi đi du lịch quốc tế không?
Trước khi đi du lịch nước ngoài nhất là đến các nước Châu Á, đặc biệt đến vùng dịch, mùa dịch lưu hành cần tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đủ liều hoặc ít nhất đủ các liều cơ bản.
14. Tôi có thể tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cùng lúc với các loại vắc-xin khác không?
Các vắc-xin viêm não Nhật Bản có thể tiêm cùng lúc với các vắc-xin khác. Lưu ý, riêng vắc-xin viêm não Nhật Bản sống giảm độc lực vẫn có thể tiêm cùng lúc với các vắc-xin sống giảm độc lực khác (sởi, quai bị, Rubella và thủy đậu), nếu không tiêm cùng lúc thì phải cách ít nhất 4 tuần.
15. Tôi có thể chủng ngừa viêm não Nhật Bản ở đâu?
Bạn có thể tiêm ngừa viêm não Nhật Bản ở các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ, các trung tâm y tế, các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế tư nhân khác đã đăng ký đủ điều kiện thực hiện hoạt động tiêm chủng…
16. Có thể tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản trong khi mang thai hoặc cho con bú không?
Vắc-xin viêm não Nhật Bản không được tiêm cho những người đang mang thai hoặc đang cho con bú.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://www.healthdirect.gov.au/japanese-encephalitis
2. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/japanese-encephalitis

Các tin khác