Bệnh tay - chân - miệng sắp vào cao điểm
Ngày đăng: 15:40:50 26/12/2014
Tại miền Nam, bệnh tay - chân - miệng thường bùng phát vào 2 thời điểm mỗi năm, đó là các tháng 4, 5, 6 và 10, 11, 12. Hiện nay, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số ca tay - chân - miệng bị biến chứng nặng.

Tại miền Nam, bệnh tay - chân - miệng thường bùng phát vào 2 thời điểm mỗi năm, đó là các tháng 4, 5, 6 và 10, 11, 12.

            Hiện nay, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số ca tay - chân - miệng bị biến chứng nặng.
            Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, số ca bệnh tay - chân - miệng nhập viện là 508 ca, tăng 47% so với tháng trước.
            Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi tuần có khoảng 70 đến 80 ca nhập viện nghi mắc tay - chân - miệng. Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố có khoảng 50 ca mỗi tuần. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận khoảng 20 ca nhập viện điều trị tay - chân - miệng mỗi ngày. Nếu tính chung từ đầu năm đến nay, các bệnh viện trên toàn thành phố ghi nhận có gần 1.800 ca nhập viện điều trị bệnh tay - chân - miệng. 
            Tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca bệnh tay - chân - miệng bị biến chứng nặng nằm điều trị thường xuyên trong ngày là khoảng 5 ca. Trước đó, 1 tháng, có rất ít hoặc không có ca bệnh nặng nhập viện.

 

             Anh Chu Hải Bình ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh có con 16 tháng tuổi nằm cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì bệnh tay - chân - miệng cho biết: “Bé vào đây 3 ngày và đã ổn định. Bé sốt liên tục không giảm. Bác sĩ bên ngoài chẩn đoán là viêm họng. Về uống thuốc viêm họng nhưng bé vẫn sốt và co giật, nửa tiếng giật 3 lần. Sợ quá, tôi phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ khám nói là bệnh tay-chân-miệng”. 
            Đáng lưu ý là có một số trường hợp trẻ bị bệnh tay - chân - miệng nhưng không có các triệu chứng điển hình như không nổi bóng nước ở tay chân miệng hoặc có nổi bóng nước nhưng không tìm thấy.
            Chị Trương Kim Phụng ở tỉnh Long An có con 25 tháng tuổi mắc căn bệnh này cho biết:  “Cháu bị sốt, bị lở trong miệng. Cháu không bị nổi nốt ở chân tay mà chỉ sưng sưng nướu răng. Thấy sốt, tôi đưa cháu đi bệnh viện và bác sĩ chẩn đoán là  bị bệnh tay chân miệng”.
            Những trường hợp như vừa nêu tuy không chiếm số lượng nhiều nhưng phụ huynh phải đặc biệt chú ý những biểu hiện khác như sốt cao liên tục không hạ, chảy nước miếng hoặc nôn ói nhiều, đặc biệt là giật mình lúc ngủ có thể nghi ngờ là triệu chứng của bệnh tay - chân - miệng.
            Các bác sĩ chuyên khoa Nhi cảnh báo, hiện nay bệnh tay - chân - miệng chuẩn bị vào mùa cao điểm và đã có các trường hợp biến chứng nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý. Bệnh có thể trở nặng ngay từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5. Do đó, không nên tính bệnh theo ngày mà theo các triệu chứng của bệnh.
            Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý về các triệu chứng nặng của bệnh này: “Nếu trẻ bị run tay run chân nhiều, đi đứng loạng choạng, giật mình 2 lần trong vòng 30 phút, tay chân níu lại chắc chắn là biến chứng. Còn những trường hợp nặng như da nổi bông, mạch nhanh, huyết áp cao, thở mệt chắc chắn là biến chứng rất nặng, phải đưa ngay đến bệnh viện. Bây giờ đã có những ca nặng nên nếu lơ là không phòng ngừa sắp tới sẽ lây lan nhiều hơn”. 
            Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị bệnh tay - chân - miệng nên cho trẻ ở nhà và vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Nếu trẻ có đi học phải thông báo ngay cho nhà trường để thực hiện việc sát khuẩn trường lớp. Đồng thời, phải tập thói quen thường xuyên rửa tay cho trẻ và cho cả người lớn để hạn chế lây lan bệnh.

Nguồn Nihe.org.vn

  

Các tin khác