Bệnh Bạch Hầu - Những điều cần biết
Ngày đăng: 00:45:10 10/07/2024

BỆNH BẠCH HẦU

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh

1. Hiện nay bạch hầu có thường gặp không?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm có từ lâu đời, đã từng để lại những hậu quả lớn đến sức khỏe con người trong quá khứ. Cho đến ngày nay tưởng chừng những bệnh này không còn xuất hiện, nhưng thực tế chúng ta vẫn chứng kiến các trường hợp tử vong do mắc bạch hầu. Ở Việt Nam năm 2019-2020 còn ghi nhận các ổ dịch bạch hầu. Gần đây, theo thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, bệnh bạch hầu xuất hiện ở 2 tỉnh Nghệ An và Bác Giang, đã có ca tử vong và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.

2. Nguyên nhân gây bệnh là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh Bạch hầu

Vi trùng gây bệnh bạch hầu là Corynebacterium diphtheriae, là vi trùng yếm khí. Vi trùng lây từ người qua người qua các giọt bắn, chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh. Nhiễm trùng xảy ra ở niêm mạc hô hấp trên hoặc da, từ đó vi trùng sản sinh ra ngoại độc tố. Ngoại độc tố của vi trùng bạch hầu ức chế tổng hợp protein của tế bào ký chủ, từ đó tạo nên giả mạc ở đường hô hấp trên. Ngoài ra độc tố đi vào máu và gây tổn thương tế bào cơ tim và tế bào hệ dẫn truyền của tim, tổn thương thận và thần kinh ngoại biên. Trong đó tổn thương tim là tổn thương không hồi phục còn tổn thương tế bào thần kinh ngoại biên thì hồi phục chậm.
Hiện bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị, song hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc được điều trị sớm hay muộn (WHO ước tích: cứ 10 người bị bạch hầu thì có 1 người tử vong). Do vậy những thể bệnh diễn tiến nhanh, được chẩn đoán và điều trị muộn thường dẫn đến những biến chứng nặng không hồi phục hoặc tử vong.

3. Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng cách nào?

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta không nên quá lo lắng vì đã có vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu ra đời vào đầu thế kỷ 20 và được tiêm ngừa rộng rãi trên toàn thế giới. Vắc-xin đã chứng minh tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và chi phí thấp. Ngày nay với các tiến bộ mới của y học, vắc-xin càng trở nên hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn.

Ngoài ra, để góp phần ngăn chặn bệnh lây lan, mọi người cần thường xuyên vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nơi ở, sinh hoạt, học tập thông thoáng, sạch sẽ; vệ sinh thường xuyên sàn nhà, đồ chơi, tay vịn cầu thang…
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

4. Ai cần tiêm ngừa Bạch hầu?

Tất cả mọi người chưa có miễn dịch chống lại bạch hầu, cần được tiêm vắc-xin đủ mũi và đúng lịch theo tư vấn của bác sĩ. Đặc biệt trẻ em là đối tượng nguy cơ cao bị bệnh bạch hầu. Vắc xin 5 trong 1(bạch hầu- uốn ván- ho gà-viêm gan B-HiB), 6 trong 1 (bạch hầu- uốn ván- ho gà-bại liệt- viêm gan B-HiB) có thành phần bạch hầu được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Tuỳ theo độ tuổi, trẻ lớn và người lớn có thể sử dụng các vắc xin có thành phần bạch hầu khác như vắc xin 4 trong 1 (bạch hầu- uốn ván- ho gà-bại liệt), vắc xin 3 trong 1(bạch hầu- uốn ván- ho gà), vắc xin 2 trong 1 (bạch hầu- uốn ván).
Mọi người cần tuân thủ lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của y, bác sỹ để đảm bảo hiệu quả bảo vệ tối ưu và lâu dài.

5. Phụ nữ mang thai có được tiêm bạch hầu không?

Vắc xin ngừa bạch hầu có thể tiêm được cho phụ nữ mang thai. Tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm 01 liều vắc-xin bạch hầu- uốn ván- ho gà vào tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ (27 đến 36 tuần thai) để bảo vệ cho bản thân và có kháng thể truyền cho con, bảo vệ cho bé những tháng đầu đời.

Các tin khác